Thời sự - Bình luận

Soi thấy tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vào làm công nhân (CN) may khi 18 tuổi, đến năm 38 tuổi, một nữ CN tại TP HCM đủ điều kiện về thời gian làm việc để hưởng hưu trí, song chưa đủ độ tuổi để hưởng hưu trí.

Chờ đến khi đủ tuổi để nghỉ hưu thì nữ CN này có thời gian làm việc dài, mức lương hưu khá cao.

Nhưng với ngành may, không phải ai cũng có thể đi đến kết cục đẹp về độ tuổi và thời gian làm việc để hưởng lương hưu như vậy, mà nhiều người lao động (NLĐ), vì hoàn cảnh nên phải nghỉ việc khi tuổi đời còn trẻ. Nhiều người trong số họ chọn cách hưởng trợ cấp BHXH một lần thay vì bảo lưu để đóng tiếp BHXH tự nguyện, đến khi đủ tuổi thì nhận lương hưu. Dù nhận thức được tầm quan trọng của lương hưu, song họ vẫn chọn cách thức trên, hẳn cũng đã qua nhiều cân nhắc.

Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11-2021, cả nước có hơn 791.300 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của thực trạng này, theo BHXH Việt Nam, là do dịch Covid-19 khiến NLĐ bị mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập nên họ cần có một khoản tiền để trang trải cuộc sống của bản thân, gia đình. Một bộ phận NLĐ chuyển sang làm lao động tự do, không tiếp tục tham gia BHXH; số khác có suy nghĩ chọn hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó sẽ tham gia tiếp khi có điều kiện...

Sau 5 năm thực hiện Luật BHXH 2014 (hiệu lực từ năm 2016), đã có hơn 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần. Đây là một con số đáng để suy ngẫm và phải điều chỉnh chính sách BHXH cho phù hợp xu thế phát triển và yêu cầu cuộc sống của người thụ hưởng, nhất là số NLĐ làm việc trong các nhà máy chiếm tỉ lệ lớn trong lực lượng lao động xã hội, trong số người tham gia vào hệ thống BHXH hiện hành.

Làm gì để giúp NLĐ không phải "đập vỡ ống heo", dùng đến những khoản tiền để dành, "tạm ứng" trước khoản bảo đảm tương lai, để rồi sau này không có lương hưu khi sức đã cạn, tuổi đã cao? Vấn đề đặt ra là không phải đưa ra những quy định ngặt nghèo để ngăn chặn "dòng chảy" này, mà phải điều chỉnh để chính sách BHXH phát huy cao nhất hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội lớn nhất hiện nay. BHXH phải như một chiếc gương để NLĐ thấy mình hôm nay và thấy tương lai mai sau. Do đó, phải thiết kế, vận hành linh hoạt trong từng thời điểm trên cơ sở nhất quán các điều luật khung nhằm giữ hệ thống BHXH luôn ổn định, phát triển. BHXH phải theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với quá trình già hóa dân số và các quan hệ lao động mới.

Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 23-5-2018) về cải cách chính sách BHXH đã chỉ rõ nên nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung...

Phải sớm ban hành và thực hiện chính sách phù hợp để kịp ngăn tình trạng NLĐ rời hệ thống BHXH với "cục tiền" trong tay mà không phải ai cũng sử dụng hiệu quả và khi về già thì không có lương hưu, không có sinh kế nào bảo đảm.

Theo HOÀNG HOA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm