Thời sự - Bình luận

Sớm chặn nguy cơ dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Việt Nam đang có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm. Ngoài dịch COVID-19, thời gian qua, nước ta còn ghi nhận các bệnh truyền nhiễm khác như: đậu mùa khỉ, cúm mùa và gần nhất là cúm A/H5.

Với đậu mùa khỉ, 2 ca bệnh ở Việt Nam đã được phát hiện ngay và cách ly sớm nên nguy cơ lây lan trong nước rất thấp. Thêm vào đó, thời gian qua, bệnh đậu mùa khỉ ở một số nước châu Âu chủ yếu lây lan trong quần thể hẹp, như trong nhóm quan hệ đồng giới, nên ít có khả năng bùng phát thành dịch.

Với COVID-19, chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Thời gian qua, số ca mắc và bệnh nhân nặng đã giảm mạnh. Có được kết quả này là nhờ việc tiêm vắc-xin COVID-19 được thực hiện rất tích cực. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, vắc-xin vẫn được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định trong việc phòng chống COVID-19. Người dân cần chủ động tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại để hạn chế mắc bệnh hoặc tái nhiễm, để tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, cần chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Mới đây, nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm - cúm A/H5 - đầu tiên kể từ tháng 2-2014. Đó là một bệnh nhi 5 tuổi ở tỉnh Phú Thọ. Sức khỏe cháu bé này đang hồi phục tốt. Ổ dịch ở Phú Thọ cũng đã được khoanh vùng, điều tra dịch tễ và sau hơn 2 tuần không ghi nhận thêm ca bệnh mới.

Với việc sau hơn 8 năm cúm A/H5 mới tái xuất trên người, có thể thấy ngoài khâu phòng chống, giám sát của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân trong việc ngăn ngừa lây lan bệnh từ gia cầm đã có thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, có thể chủng cúm A/H5N1 đã giảm khả năng bùng phát các ổ dịch ở gia cầm cũng như việc lây sang người đã giảm hoặc độc lực cúm A/H5N1 không mạnh như trước. Qua giám sát của Cục Thú y, chưa thấy sự bùng phát các ổ dịch trên đàn gia cầm mà chỉ là những ổ bệnh nhỏ, lẻ. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là.

Trong bối cảnh có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm, việc quan trọng là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để khoanh vùng. Nếu chúng ta quan tâm khống chế, kiểm soát được từng dịch bệnh thì không vấn đề gì. Song, đáng lo ngại nhất là chúng ta chỉ chú trọng dịch bệnh này mà không quan tâm phòng chống dịch bệnh khác, để khi dịch lan rộng thì khó mà giải quyết.

Để phòng chống các dịch bệnh và hạn chế nguy cơ "dịch chồng dịch", các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều tình huống. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát tại cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm; truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý, không để dịch lây lan. Trong đó, đặc biệt lưu ý trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc người nghi ngờ, người mắc bệnh. Hệ thống y tế cần nâng cao năng lực, nhất là y tế dự phòng. Nhìn xa hơn, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng dịch.

Theo Ngọc Dung ghi (NLĐO)

PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Có thể bạn quan tâm