Thời sự - Bình luận

Sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1 triệu, trong đó, hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển (68,5%) đại học.

Dư luận xã hội, các cơ sở giáo dục đại học đều đánh giá công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo cũng như ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển. GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, nhìn nhận, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đủ độ tin cậy để các trường đại học xét tuyển.

Luật Giáo dục đại học cho phép các trường đại học tự chủ tuyển sinh - các trường hiện sử dụng hơn 20 cách xét tuyển. PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, trường đã thử nghiệm phương án tuyển sinh tổng hợp, bao gồm tất cả các tiêu chí. Kết quả cho thấy phương án tổng hợp này đã tạo ra sự thuận tiện, công bằng cho thí sinh và hiệu quả trong công tác xét tuyển, giúp thu hút nhiều hơn số lượng thí sinh đăng ký vào trường.

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên thời gian qua đang gây băn khoăn, là việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Trong khi đó, phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục. Đó là lý do mà tại hội nghị giáo dục đại học 2024 mới đây, một số cơ sở đại học đã đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ; việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận, tuyển sinh sớm có những mặt tích cực nhưng thực tế còn phân tán. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận được phản ánh từ nhiều sở GD-ĐT về việc có những trường hợp học sinh xao nhãng học tập dù chưa hoàn thành chương trình phổ thông, do biết đã đủ điều kiện trúng tuyển. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được lượng thí sinh ảo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng lo lắng, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Học sinh trúng tuyển sớm sẽ không chuyên tâm việc học nữa. Việc xét tuyển sớm còn khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ quan điểm, các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm, nên Bộ GD-ĐT có thể sẽ gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau.

Trong bối cảnh này, nhiều phụ huynh chưa rõ Bộ GD-ĐT và các trường đại học sẽ có điều chỉnh ra sao về kế hoạch tuyển sinh năm 2025, như các trường có dừng xét tuyển sớm bằng học bạ hay không. Mối bận tâm lớn nhất là việc điều chỉnh về tuyển sinh, nếu có, nên đảm bảo đủ độ trễ về thời gian để thí sinh chuẩn bị. Lứa học sinh tốt nghiệp THPT năm 2025 học chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với các tổ hợp được thay đổi so với chương trình cũ. Các em đã có sự chuẩn bị từ năm lớp 10, do đó bất cứ sự thay đổi nào, cũng không nên quá đột ngột.

Để giúp thí sinh chủ động cao nhất trong việc học và thi của mình, giúp các trường đại học chủ động trong công tác xét tuyển, Bộ GD-ĐT cần sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025, sớm có dự thảo hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, công bằng cho thí sinh trong mùa tuyển sinh tới đây.

Theo LÂM NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm