Phía sau các barie phong tỏa tại TP.HCM là những tâm sự, nỗi lòng của phận người lao động. Họ vẫn đang cố gắng từng ngày để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Người trong khu bị phong tỏa tại P.Hiệp Bình Chánh nhận rau củ quả tiếp tế. Ảnh: Trần Tiến |
Niềm vui lớn sau bao âu lo
Những ngày tác nghiệp tại các khu trọ nghèo trên địa bàn TP.Thủ Đức, chúng tôi gặp anh Trần Bé Hai (26 tuổi, quê Sóc Trăng) tại căn nhà trọ chật chội chỉ hơn 20 m2. Anh Hai buồn bã tâm sự vừa phải nghỉ việc sửa xe gắn máy do dịch Covid-19 bùng phát.
Thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng tuy không nhiều nhưng sống tằn tiện cũng đủ để anh cùng người vợ sắp sinh bám trụ lại TP.HCM. Anh Hai đã mưu sinh tại TP.HCM nhiều năm nhưng chưa bao giờ cảm thấy khó khăn như những tháng gần đây. Vợ gần tới ngày sinh, nhưng số tiền ít ỏi anh dành dụm cũng không còn được bao nhiêu. “Về quê không được nên em ráng kiếm cách để xoay trở những lúc này. Vợ vài ngày nữa sẽ sinh mà trong túi còn vài trăm nghìn, cũng tủi thân lắm”, anh tâm sự.
Để kiếm thêm tiền lo cho vợ những ngày sinh nở, anh Hai nhờ người quen, bạn bè hỏi công việc “chữa cháy” nhưng chưa kiếm được thì khu trọ nơi anh sống bị phong tỏa. Qua lấy mẫu tầm soát, cơ quan chức năng phát hiện ca F0 nên phong tỏa toàn bộ đường số 43 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) cùng hàng chục hộ dân phía trong cho tới lúc có thông báo mới. Phía đầu đường thiết lập rào chắn kiên cố và đặt bảng thông báo nhằm không cho người ngoài đi vào.
Kể về những ngày đầu trong khu phong tỏa, anh Hai cho biết mọi thứ đều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. May thay, chính quyền địa phương liên tục tiếp tế nhu yếu phẩm nên bữa cơm của người dân phía trong cũng được giải quyết. Anh Hai kể: “Trong đây toàn người thuê trọ nghèo, chủ trọ cũng giảm tiền thuê nên đỡ phần nào. Phường cũng hỗ trợ liên tục nên tôi an tâm hơn rất nhiều. Nói thật, những ngày phong tỏa lại thấy an tâm hơn”.
Khu vực phong tỏa đường số 43 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức), nơi vợ chồng anh Hai và đứa con gái đầu lòng mới sinh đang cư ngụ |
Bẵng đi vài ngày, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại báo tin vui của anh Hai. Vợ anh vừa chuyển dạ và được gia đình đưa đến bệnh viện để sinh. Đứa con đầu lòng của vợ chồng anh là một nàng công chúa xinh xắn. Anh hồ hởi khoe: “Em đặt tên bé là Bảo Nhi, cân nặng của bé là 3,3 kg. Là con đầu lòng nên cả họ lựa tên cho cháu, em cũng mừng vì mọi thứ đã ổn”.
Vài ngày sau, anh Hai đưa vợ con về lại khu phong tỏa để tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định. Bao nhiêu năm mưu sinh tại TP.HCM, anh có gia đình và đón đứa con gái đầu lòng trong khu phong tỏa. Đây là niềm vui lớn của gia đình anh, cũng là kỷ niệm đáng nhớ với cuộc đời, khi hằng tuần anh đều nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, và thiên thần nhỏ bé vừa chào đời cũng bắt đầu thích nghi với cuộc sống sau rào chắn.
Phong tỏa chồng phong tỏa
Tháng 7, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến cực kỳ phức tạp tại TP.HCM, đếm không xuể các điểm phong tỏa. Người dân cũng không còn xa lạ cảnh “phong tỏa chồng phong tỏa”.
Như tôi, một người đang thực hiện cách ly trong con hẻm chồng chéo phong tỏa (hẻm phong tỏa trong khu phố phong tỏa). Những ngày cuối tháng 7, khi đang tất bật với công việc, tôi bất ngờ nhận được thông báo của một người bạn sống cùng phòng trọ. Trong tâm trạng lo lắng, anh báo tin vì có kết quả dương tính Covid-19 và chuẩn bị đi cách ly tập trung.
Người dân nhận tiếp tế thực phẩm từ chính quyền địa phương khi ở trong khu phong tỏa |
Việc từng sống cùng F0 cũng khiến tôi có chút hồi hộp. Sau khi bàn giao công việc, tôi quay trở lại khu trọ để thực hiện cách ly theo quy định. Chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt để thông báo về trường hợp F0 cũng như nhắc nhở mọi người thực hiện cách ly tại nơi ở.
Lối vào con hẻm lập tức bị giăng dây, phía trước dãy trọ còn dán thêm tờ thông báo “Khu vực đang thực hiện phong tỏa, cách ly y tế”. Nơi tôi ở chỉ vỏn vẹn 14 phòng trọ với số lượng 2 - 3 người/phòng, hầu hết là người trẻ từ các tỉnh đến TP.HCM mưu sinh lập nghiệp. Có người mới chuyển vào tạm trú như tôi khoảng vài tháng, nhưng cũng có người đã sống tại đây hàng chục năm.
“Mọi người có buồn không?”, tôi hỏi. Một cậu sinh viên tên H. ở đối diện phòng tôi nói việc phong tỏa chỉ sớm hay muộn và sẽ không trách phòng có F0. “Cả khu phố đã phong tỏa thì khu trọ phong tỏa thêm 1 tầng cũng không sao. Anh cần gì thì nhắn tụi em nhờ người mua cho”, H. vui vẻ nói.
Việc “phong tỏa chồng phong tỏa” cũng khiến người trong khu trọ gặp khó khi không thể tiếp tế nhu yếu phẩm từ ngoài vào trong. Biết chúng tôi gặp khó, chị Út (chủ trọ) an ủi: “Mọi người ai cần mua gì thì nói để mình mua giúp. Mình đã liên hệ khu phố nên sẽ có thực phẩm sớm thôi”.
Số rau xanh “quý báu” cho những ngày phong tỏa |
Mở lòng để cùng vượt khó
Một buổi xế chiều, anh Nh. (32 tuổi, ở cùng khu trọ bị phong tỏa) tần ngần rít thuốc trước cửa phòng trọ số 15. Vì đang là F1 nên tôi chỉ ngồi từ ban công bắt chuyện với anh. Vào TP.HCM mưu sinh từ năm 14 tuổi và đã gắn bó với khu trọ gần 20 năm, anh Nh. được xem như quản gia của khu trọ. Rồi dịch ập đến, công việc phải tạm ngưng nên anh có ý định về quê Quảng Trị tránh dịch, thăm quê. Nhưng cuộc sống lại đưa đẩy khiến anh mắc kẹt ở đây thêm một thời gian.
KP.8 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) những ngày giữa tháng 7 thông báo sẽ phong tỏa 3 ngày để lấy mẫu tầm soát Covid-19. Anh Nh. chờ đợi kết thúc sẽ khăn gói về quê thì bị trộm mất chiếc xe máy. “Vừa gỡ phong tỏa, tôi tranh thủ đi mua chút đồ ăn tại cửa hàng tiện lợi thì bị trộm lấy mất chiếc xe. Tâm tư nào mà về quê nữa. Đến giờ thì khu trọ cũng bị phong tỏa, sống ở đây rồi hết dịch lại đi làm chứ hết cách rồi”, anh Nh. bùi ngùi nói. Biết tôi là F1 đang cách ly, anh mang cho mấy quả trứng, quả bí để dành ăn dần, kèm lời hẹn “hết dịch nhậu thoải mái một bữa!”.
Ở nơi phong tỏa, đều đặn 2 - 3 ngày sẽ có tổ khu phố, nhà hảo tâm xuống dãy trọ ới ra lấy thực phẩm. Khi thì gạo, mì, lúc thì rau củ quả. Mặc dù không nhiều nhưng cũng giải quyết được phần nào khó khăn cho người trong khu trọ. Có lẽ sợ tôi tủi thân, những lần nhận tiếp tế, chị chủ trọ lại chia thêm cho vài bó rau, gói mì. Tôi từ chối nhận vì lương thực trong phòng đã đủ, nhưng chị vẫn khăng khăng ép nhận.
Là người mưu sinh tại TP.HCM nhiều năm, tôi đã ở qua nhiều khu trọ. Hầu hết cuộc sống phòng trọ đều “mạnh ai nấy sống” và rất ít thân thiết với nhau. Nhưng đến nay khi chúng tôi trải qua những ngày phong tỏa thì nhiều thứ thay đổi. Mọi người lại có thời gian hỏi thăm nhau, ai thiếu gì chỉ việc nói to lên, phòng nào có sẽ chi viện ngay lập tức.
“Anh ơi có nước mắm không?”, “Chị ơi em xin ít dầu ăn!”, “Phòng số 7 có ăn rau thì lấy thêm phần của em”… Những câu nói, hành động rất gần gũi, bình dị nhưng làm mọi người trong khu trọ xích lại gần nhau hơn.
(còn tiếp)
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Thành Phúc, Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết hiện nay phường có dày đặc chốt phong tỏa do công tác tầm soát lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện F0. Ban đầu có áp lực về việc phân bổ nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa nhưng sau này đã ổn định. Ông Phúc nói: “Hiện nay phường hằng tuần 2 lần cung cấp nhu yếu phẩm như gạo, mì, rau xanh. Rau xanh lúc đầu hơi khó khăn nhưng có đơn vị hỗ trợ và giờ đã ổn. Phường còn làm gian hàng 0 đồng tại trụ sở ủy ban phường cũng thu hút rất nhiều người dân đến chọn nhu yếu phẩm mang về dùng”. |
Theo Trần Tiến (TNO)