Trải qua những ngày sống trong khu phong tỏa, tôi mới thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của người dân bị mắc kẹt phía sau rào chắn.
Vừa thức dậy buổi sáng, tôi đã thấy lực lượng chức năng phong tỏa cả con hẻm để phòng dịch. Ảnh: Đào Nguyên |
Sự giúp đỡ, san sẻ từ cộng đồng đã giúp tôi và nhiều người bên cạnh vơi bớt bao âu lo, thiếu thốn.
Từ ngày 9.7, khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, việc bảo vệ sức khỏe trước tình hình dịch bệnh căng thẳng luôn được người dân nơi tôi ở đặt ưu tiên lên hàng đầu. Ông Th. (60 tuổi, chủ trọ nơi tôi thuê, tổ dân phố 72, P.12, Q.Bình Thạnh) vì để đảm bảo an toàn cho gia đình cũng như những người thuê trọ, đã quyết định khóa cửa, ở hẳn trong nhà. Ông bà đều có bệnh nền, lại sống chung với một tập thể nên ông sợ không kiểm soát được nguồn lây. Ông làm vậy để hạn chế tiếp xúc, và cũng mong anh em ở trọ ý thức phòng dịch chung.
Để gỡ vướng mắc cho người còn làm việc trong thời gian giãn cách như tôi, ông đề xuất chúng tôi qua ở tạm một thời gian tại căn phòng trống của người con, cách khu trọ khoảng 50 m để thuận tiện cho công việc. “Bên đó thì không khang trang như ở đây, nhưng có thể qua ở tạm để đi làm, đồ đạc để ở phòng trọ cũ vẫn được”, ông Th. chia sẻ.
Mở mắt đã thấy phong tỏa
7 giờ sáng 16.7, vừa ngủ dậy tôi liền liên lạc với chị H. (con dâu ông Th.) để được dẫn qua chỗ ở mới, nhưng đầu dây bên kia không nghe máy.
Tranh thủ thời gian buổi sáng, tôi ra ban công hóng mát thì tá hỏa khi nhìn thấy con hẻm khu trọ tôi sống đã bị giăng dây phong tỏa. Lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ phường đã đến lập rào chắn và không cho người trong hẻm ra ngoài vì có ca nhiễm Covid-19 tại khu vực này. Cuộc “di tản” của tôi bất thành.
Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thạnh tiếp tế lương thực cho người dân trong khu phong tỏa |
Phong tỏa bất ngờ, người dân trong con hẻm cũng bắt đầu nhốn nháo, xôn xao bàn tán về trường hợp F0 vừa phát hiện. Cô này tường thuật lại ca nhiễm đi tới đâu làm gì, chú kia than thở vì con hẻm rào bất ngờ nên không kịp chuẩn bị đồ ăn...
Ngày thường, là phóng viên nên tôi cùng các đồng nghiệp vẫn ghé các khu phong tỏa để tìm hiểu tâm tư của bà con nơi phong tỏa. Thế nhưng đến nay, chính bản thân trở thành người sẽ sinh hoạt trong khu phong tỏa trong thời gian tới, tôi lại có chút bỡ ngỡ. Những ngày sinh hoạt trong khu phong tỏa, tôi lại càng hiểu, thấm thía hơn đối với bà con đã và đang sống trong khu phong tỏa, cách ly, bởi mọi thứ đều gò bó và thiếu thốn.
Kẹt lại trong khu phong tỏa, đồng nghĩa với việc gián đoạn công việc và các kế hoạch cá nhân một thời gian, nhưng đây là dịp đặc biệt để tôi chứng kiến những câu chuyện mà trước kia chỉ được nghe kể lại về tình người ấm áp trong mùa dịch.
Để người dân không cảm thấy hoang mang hay có suy nghĩ tiêu cực, lực lượng chức năng phường thông báo bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được đưa đi điều trị, 5 người nhà cùng sinh sống với F0 hiện là F1 đang thực hiện cách ly y tế tại nhà. Ngay tại cửa nhà nơi F0 sinh sống có dán một tờ thông báo với nội dung: Địa điểm cách ly. Người dân cũng được yêu cầu không đến gần khu vực này và hạn chế tối đa ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa.
Ra đường thấy lo hơn
Chị O. (29 tuổi) cho biết thời gian qua công ty cho chị làm việc ở nhà. Tháng trước, chị vừa làm tiểu phẫu nên sức khỏe còn yếu, thời gian tái khám sắp đến nhưng chị lo lắng vì ra đường có thể không an toàn.
Ở TP.HCM những ngày này, việc người dân phải ở trong nhà hàng chục ngày do nơi sinh sống nằm trong khu phong tỏa đã không còn là điều gì đó quá xa lạ trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Bởi thế, sau một buổi sáng “công tác tư tưởng”, tâm lý những người dân trong khu phong tỏa cũng trở nên ổn định. Tôi và mọi người cũng sẵn sàng mọi thứ để chuẩn bị cho chuỗi ngày “cố thủ” trong phòng và chờ tiếp tế từ người thân lẫn chính quyền địa phương.
Động viên tinh thần cho những người trong khu phong tỏa, bà Nguyễn Thanh Thúy, Tổ trưởng tổ dân phố, mang cho mỗi người vài túi khoai lang lẫn rau sạch, và hứa “sẽ tiếp tế đầy đủ cho những người phía sau rào chắn”.
Cả khu trọ tôi ở có khoảng 15 người thuê, sinh viên hay người đi làm văn phòng đều có cả. Đa số là nữ nên trong hoàn cảnh này các chị em cũng tự an ủi đùm bọc nhau. Sợ người đến sau không có rau nên ai cũng lấy một ít đủ ăn, có người còn dư vài củ gừng, quả chanh cũng mang ra chia cho mọi người.
Ai thuê trọ ở đây hầu như tôi đều quen mặt, nhưng chưa có dịp chuyện trò nhiều. Đến hôm nay khi con hẻm bị phong tỏa, chúng tôi bắt đầu giao tiếp, bắt chuyện để tiện hỗ trợ nhau trong quãng thời gian khó khăn sắp tới. Mọi người đều lạ lẫm nhưng ai nấy đều vui vẻ, mang những phần thực phẩm dư ra san sẻ cho những người đang cần. Mọi hoạt động đều ý thức 5K.
Đến chiều ngày đầu tiên phong tỏa, chính quyền địa phương tiếp tục cử lực lượng xuống sắp xếp, gửi cho mỗi người trong khu phong tỏa một túi thực phẩm dự trữ qua ngày. Sau đó, những nhu yếu phẩm tiếp tế cũng thi thoảng được chuyển đến. Họ không quên hỏi thăm sức khỏe mọi người, kèm lời nhắn nhủ “an toàn”.
Một tuần đã trôi qua từ ngày kẹt lại trong khu phong tỏa, mọi chuyện không quá khó khăn như tôi đã nghĩ. Mỗi bữa ăn có đạm bạc hơn ngày thường, nhưng không đến nỗi thiếu thốn. Để tiện cho việc nắm bắt thông tin từ phía lực lượng chức năng của phường, chị H. đã lập một nhóm chat gồm các thành viên thuê trọ để dễ dàng thông tin cũng như hỗ trợ nhau khi cần.
Cứ cách vài buổi cơm trưa, chị H. hỏi thăm chúng tôi chuyện nhu yếu phẩm. “Chị còn ít thịt và rau, lấy lên mà nấu, đừng ăn mì gói quá nhiều”, chị H. gọi điện. Lúc khác, vài chị em cùng khu trọ lại nhắn cho phần trái cây. Cứ thế mỗi người cho một ít khiến tâm trạng cô đơn, bức bối những ngày bị phong tỏa đã giảm hẳn.
“Rau bà con ơi”
Một buổi chiều, bà Nguyễn Thanh Thúy từ đầu khu phong tỏa, gọi lớn: “Rau bà con ơi, từ từ từng người thôi, không tập trung đứng gần nha”. Mọi người lại tranh thủ ra lấy chút nhu yếu phẩm rồi ai về nhà đó.
Rau củ quả được chính quyền tiếp tế vào khu phong tỏa nơi tôi ở trọ |
Tâm sự với chúng tôi, bà Thúy cho biết con hẻm bị phong tỏa và cuộc sống của người dân khó khăn ra sao, người làm công tác quản lý như bà đều hiểu. Để đảm bảo có thêm các phần nhu yếu phẩm cho người trong khu phong tỏa, tổ dân phố, khu phố, phường phải liên tục vận động khắp nơi để san sẻ phần nào khó khăn với bà con. Bà Thúy nói: “Mình là tổ trưởng tổ dân phố nên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc đời sống sinh hoạt của mọi người. Rau củ hay các phần cơm từ thiện không phải ngày nào cũng có, tôi phải tìm cách kiếm nhiều nguồn từ các nhà hảo tâm, mong người dân không quá khó khăn”.
Bà Thúy nhớ lại quãng thời gian trước dịch, con hẻm luôn náo động và đầy ắp tiếng cười của “tụi nhỏ”, bây giờ không khí vắng lặng đìu hiu và còn cả vẻ lo lắng trên nét mặt từng người. Bà Thúy bảo: “Thấy mấy đứa nhỏ buồn hiu, cũng tội nên tôi vận động quyên góp sữa gửi vô. Tụi nhỏ chưa hiểu chuyện nên cứ có quà là mừng lắm”.
Ngày qua ngày, tôi chưa từng có cảm giác cô độc giữa con hẻm vắng lặng nằm sau rào chắn. Đôi khi không tránh khỏi những lúc hơi buồn chán vì quanh quẩn trong nhà trọ, nhưng nhờ có sự động viên từ phía gia đình, đồng nghiệp và mọi người xung quanh nên tôi lúc nào cũng tích cực chờ đợi ngày rào chắn phong tỏa được mang đi.
(còn tiếp)
Theo Đào Nguyên (TNO)