Sự đầu tư đem lại nguồn lợi lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, phong trào học tiếng dân tộc thiểu số được tỉnh Gia Lai chú trọng phát triển trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ công chức. Có thể nói, đây là chủ trương đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tiếng dân tộc thiểu số là chiếc cầu xóa khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân.

Từ “rào cản” ngôn ngữ...

Là một tỉnh miền Núi, Gia Lai hiện có hơn 48% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và phân bố đều khắp trong tỉnh. Với đặc thù này, Gia Lai cũng vướng phải tình trạng trình độ dân trí không đồng đều ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Ảnh: Bích Nga

Để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, những năm qua, tỉnh đã tăng cường, luân chuyển cán bộ về cơ sở với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào. Tuy nhiên, khi thực hiện công tác này do “rào cản” ngôn ngữ, nhiều cán bộ không biết chữ và tiếng DTTS nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả công việc. Đa số cán bộ khi được tăng cường về cơ sở đều phản ánh tác nhân làm trì trệ sự phát triển các mặt của địa phương chính là việc không hiểu ngôn ngữ giữa cán bộ và nhân dân. Muốn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân hầu hết đều phải qua trung gian (hoặc là cán bộ thôn, làng hoặc là một vài người biết tiếng phổ thông).

Đôi khi sự truyền đạt lại của người trung gian thể hiện không hết ý hoặc sai lệnh quan điểm đã gây tác dụng ngược và mất thời gian nhưng hiệu quả lại không như mong muốn. Đặc biệt, ở một số địa phương có 100% dân số là đồng bào DTTS thì việc bất đồng ngôn ngữ còn là một “rào cản” không thể vượt qua. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, y tá của Trạm y tế xã Ia Chía, huyện Ia Grai cho biết: “Việc bất đồng ngôn ngữ rất khó khăn cho chúng tôi trong việc khám chữa bệnh. Cụ thể là trong việc khai thác bệnh sử, các thông tin về người bệnh do không biết ngôn ngữ, nhiều khi phải dùng ký hiệu nên rất hạn chế trong quá trình khám và chữa bệnh cho nhân dân”.

Đến chủ trương đúng

Từ “rào cản” trên cho thấy, việc thông thạo tiếng DTTS đang ngày càng trở thành yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với CBCC và Thủ tướng Chính phủ cũng ra Chỉ thị 38/2004/CT- TTg ngày 9-11-2004 về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc và miền núi để xóa bỏ “rào cản” trên.

Năm 2003, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai và Bahnar cho cán bộ công chức các cấp, các ngành của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo Ban Dân tộc, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu tiếng dân tộc theo các trình độ, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu đào tạo đối với cán bộ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc và ban hành các quy định về đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ công chức, quy định điều kiện cụ thể, chế độ giảng dạy của giáo viên, quy định đối tượng tham gia học tiếng DTTS và chế độ hỗ trợ cho cán bộ công chức đi học. Hằng năm, UBND tỉnh đều phân bổ kế hoạch kinh phí đào tạo tiếng dân tộc về cho các cơ sở đào tạo…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2003 đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho khoảng 3.000 giáo viên và cán bộ công chức theo học tiếng dân tộc. Cụ thể: Tiếng Jrai 45 lớp với 1.931 người; tiếng Bahnar 20 lớp với 1.061 người. Những cán bộ sau khi được trang bị tiếng DTTS đều cho rằng không còn bị “ngăn cách” như xưa, việc truyền đạt kinh nghiệm, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhìn chung, hầu hết số cán bộ công chức người Kinh công tác tại vùng DTTS được học tiếng dân tộc đều phát huy tốt hiệu quả, tác dụng. Do biết đọc, nói, nghe, giao tiếp bằng tiếng DTTS và hiểu biết được phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS nên họ vừa có sự đồng cảm, vừa có điều kiện tiếp cận, gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đồng bào, qua đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; dần khắc phục được sự bất đồng trong công tác cũng như trong quan hệ giao tiếp do không hiểu biết ngôn ngữ của đồng bào DTTS tại chỗ. Do vậy, thời gian qua tại các huyện, thị xã trong tỉnh an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm