Sự đổi thay kỳ diệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, chúng tôi về các buôn làng thuộc các xã: Ia O, Ia Krai, Ia Khai (huyện Ia Grai, Gia Lai) đã thấy người dân khá chộn rộn không khí Tết. Nhờ có thu nhập từ vườn cao su mà trong dịp này họ dư tiền để gửi ngân hàng; đời sống ngày càng khấm khá lên.

Nông dân có tiền tỷ

Chuyện tưởng đùa mà có thật ở làng Mít Chép (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ngồi trong căn nhà ấm cúng những ngày giáp Tết, vợ chồng công nhân Phùng Văn Bàng, Phan Thị Lương ở Đội 7- Công ty 715, tươi cười kể: 14 năm vật lộn với mảnh đất này, bao nhiêu người phải bỏ đi nhưng chúng tôi quyết tâm bám trụ và có được ngày hôm nay. Ngoài tiền lương tháng của hai vợ chồng làm công nhân trên 10 triệu đồng, chúng tôi còn có thu nhập thêm từ 3 ha điều, 1,5 ha cao su, 400 trụ tiêu, tích cóp mỗi năm cũng để ra được trên 300 triệu đồng. Chúng tôi còn mua được 4 miếng đất ở gần đường, tính nhẩm cũng cả tỷ đồng. 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Anh Bàng còn kể: Kinh tế vợ chồng tôi chưa bằng vợ chồng anh Nguyễn Doãn Tuân- chị Lưu Thị Bích, bên cạnh nhà. Vợ làm công nhân cao su Công ty 715, còn chồng nhận lại vườn cao su của người dân, khi Công ty 715 thực hiện chủ trương hỗ trợ hơn 317 ha cao su cho người dân ở các xã Ia O, Ia Khai (mỗi hộ 1 ha cao su) để bà con có đất sản xuất khi lòng hồ Sê San ngăn dòng cho thủy điện Sê San 4 vận hành. Những hộ ít người không cạo mủ được thì khoán lại cho những người dân không có vườn. Nhờ thế những người nông dân nghèo giờ có của ăn của để. Mỗi năm tiết kiệm một ít, dần dần số tiền của họ gửi trong ngân hàng lên đến cả tỷ đồng.

Không chỉ đối với người Kinh, công nhân người dân tộc thiểu số bây giờ cũng đã thay đổi rất lớn về nhận thức. Ksor Krao- công nhân Đội 7- Công ty 715 ở làng Mít Chép, nhớ lại: Trước đây, khi bộ đội Công ty 715 về khai hoang, vận động đồng bào giao đất trồng cao su, họ không tin là có cây gì khác mọc lên trên vùng đất này ngoài cây lúa, cây mì… Vì thế người dân không ai muốn giao đất, vào làm công nhân. Nhưng mình thì nghĩ khác, cho rằng đây là cơ hội tốt để người dân đổi đời. Mình vào làm công nhân ở đây được trên 11 năm rồi. Khi làm công nhân thì có gạo, có tiền, cả nhà mình hết đói, còn dành dụm mua được xe máy, làm nhà xây…

Tất cả nhờ cao su

Ông Hoàng Sỹ Chung- Giám đốc Công ty 715, nói: Phải nói rằng liên tiếp trong mấy năm trở lại đây, cao su được giá, sản lượng liên tục tăng cao nên đời sống cán bộ, công nhân từng bước được nâng lên.

Gia đình anh Bàng, chị Lương bên căn nhà mới xây của mình. Ảnh: Đinh Yến
Gia đình anh Bàng, chị Lương bên căn nhà mới xây của mình. Ảnh: Đinh Yến

Minh chứng cho điều này, ông Chung kể: Riêng trong dịp Tết Nhâm Thìn- 2012, Công ty đã trích ra 55 tỷ đồng để chi tiền thưởng, tiền vượt khoán của công nhân và tiền thăm hỏi các gia đình chính sách, người nghèo, trưởng thôn, già làng. Và đây cũng là năm đầu tiên Công ty đạt tổng doanh thu 320 tỷ đồng (tăng 147% so với năm trước) cao nhất từ trước đến nay, lợi nhuận 103 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 33 tỷ đồng, lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Niềm vui có được là nhờ sự đồng thuận, nỗ lực của tất cả cán bộ, công nhân- người lao động, sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Bộ Tư lệnh Binh đoàn và Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty.

Bên cạnh đó, mỗi năm vào đầu mùa cạo mủ, để sản lượng vượt cao, 16 đội trực thuộc Công ty họp tất cả các công nhân nhận khoán làm công tác bình xét đánh giá chất lượng vườn cây. Đồng thời, Công ty tổ chức Hội nghị thi đua quyết thắng vào những dịp cuối năm nhằm tạo nên phong trào thi đua sản xuất ngay sau khi mùa cao su rụng lá. Hơn nữa, Công ty thực hiện tốt mô hình gắn kết hộ, giữa hộ công nhân người Kinh với hộ công nhân người dân tộc thiểu số. Bằng cách làm như vậy, tất cả công nhân Công ty đã ra sức thi đua, công nhân người dân tộc thiểu số địa phương không bỏ vườn cây, khai thác, giao nộp sản phẩm bằng công nhân người Kinh ngày càng nhiều hơn.

Ở Công ty 715 hôm nay, những người công nhân có thu nhập từ vài trăm triệu đồng trở lên đã chiếm hơn nửa trên tổng số 1.792 cán bộ, công nhân- người lao động. Và có thể thấy, nhờ có cây cao su ở vùng biên giới này, mỗi năm qua đi, đời sống người dân nơi đây lại được ấm no hơn, làng quê ngày càng đổi mới hơn.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm