Văn hóa

Sứ giả văn hóa thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong giới chơi cổ vật ở Pleiku, có người thích sưu tầm gốm cổ, người mê chiêng ché, người lại dành niềm yêu thích đặc biệt với đồ đan lát truyền thống như anh Nguyễn Thế Phiệt (số 11 Nguyễn Đường).

Họ là những sứ giả thầm lặng làm cầu nối cho sự giao lưu văn hóa khi nhiều người bạn quốc tế “theo dấu cổ vật” đã tìm đến chiêm ngưỡng bộ sưu tập của anh Phiệt.

Những cổ vật từ mây tre

Sau hàng chục năm sưu tầm, anh Nguyễn Thế Phiệt hiện sở hữu bộ sưu tập hàng ngàn hiện vật dân tộc học Tây Nguyên, trong đó, chiếm số lượng nhiều và quý nhất là đồ đan lát truyền thống. Từng có du khách Đức đến trả cả ngàn USD cho 1 chiếc klec (gùi nam) nhưng anh không bán vì đây là hiện vật không dễ sưu tầm.

Anh Phiệt kể, anh rể anh là người Giẻ Triêng ở tỉnh Kon Tum. Nhiều lần, anh theo chân anh rể vào các ngôi làng ở Kon Tum và rất thích hình ảnh người già ngồi đan gùi, đan vật dụng sinh hoạt bằng mây tre. Anh thán phục tay nghề đan lát cùng những sản phẩm mang giá trị sử dụng lẫn tính thẩm mỹ cao mà họ làm ra. Anh cũng vô cùng khâm phục cách người Tây Nguyên sống dựa vào rừng, dùng các vật liệu tự nhiên chế tác mọi thứ từ chính đôi bàn tay và sức lao động mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào.

Vì lẽ đó, sau này, khi đi sâu vào con đường sưu tập, anh vẫn vẹn nguyên cảm xúc vừa say mê, vừa nghiêng mình trước sự minh triết của người dân tộc thiểu số tại địa phương.

“Nhìn vào từng đồ vật như nhìn thấy cuộc sống của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên thấm đẫm trong đó. Nó phản ánh sinh động đời sống phong phú của họ. Mỗi thứ nhỏ bé họ tạo ra chứa đựng sức sáng tạo vô song và tinh thần lao động bền bỉ của họ. Nên càng sưu tập thì tôi càng mê”-anh Phiệt bày tỏ.

Anh Nguyễn Thế Phiệt bên bộ sưu tập gùi cổ của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Anh Nguyễn Thế Phiệt bên bộ sưu tập gùi cổ của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Cầm một đồ vật nhìn như chiếc lồng đèn nghệ thuật được đan kết cầu kỳ từ những nan tre trau chuốt, anh Phiệt khiến chúng tôi bất ngờ khi giới thiệu đó là dụng cụ bắt mối. Hay những cái “áo chiêng” được làm từ tre và những sợi mây rừng dài mấy mét nhìn như một vật trang trí tinh tế. Tuy nhiên, trong số những cổ vật đan lát, anh Phiệt trân quý nhất là bộ sưu tập gùi với hàng chục chủng loại của các sắc tộc vùng Bắc Tây Nguyên như: Bahnar, Jrai, Xê Đăng, Kdong, Giẻ Triêng…

Anh cho biết, mỗi dân tộc lại có chiếc gùi mang đặc trưng riêng với từng hoa văn cổ, độc đáo, khác biệt. Mỗi loại gùi lại có những công năng khác nhau như: đựng củi, đựng đồ ăn, đi rẫy, đựng lúa trong kho, rồi gùi dành cho nam giới, gùi đựng của hồi môn của người con gái khi lấy chồng…

“Tôi sưu tầm được nhiều chiếc klec ở vùng rừng núi Kon Tum và số ít ở Gia Lai. Klec là vật bất ly thân của người đàn ông khi đi rừng. Khác với gùi tròn, klec hình dẹt, được đan cầu kỳ, tỉ mỉ. Tôi chứng kiến có những người đan cái klec cả năm mà vẫn chưa xong. Gùi thường có 3 ngăn để gài mũi tên, con dao có kích thước nhỏ và ôm sát vào lưng để dễ len lỏi trong rừng.

Hiện nay, chiếc gùi này rất khó để sưu tầm vì không còn nhiều người biết đan và việc đi săn trong rừng cũng không được phép như trước”-anh Phiệt kể.

Một góc trong không gian trưng bày Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Một góc trong không gian trưng bày Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Từng có quãng thời gian dài công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) và Thư viện tỉnh Kon Tum, anh Phiệt sưu tầm được khá nhiều hiện vật của các dân tộc tại chỗ ở vùng đất Bắc Tây Nguyên. Sau đó, anh chuyển công tác về Thư viện tỉnh Gia Lai và tiếp tục với thú vui hoài cổ này.

Sứ giả thầm lặng

Ngoài sưu tập đồ vật từ mây tre đan truyền thống có lịch sử cả trăm năm, anh Phiệt còn sưu tập nhiều loại cổ vật khác. Trong đó có một số bộ cồng chiêng, thổ cẩm Tây Nguyên, điêu khắc gỗ dân gian, hàng chục bộ xe sợi, dệt vải, máy hát, điện thoại cổ…

Nhờ thú chơi này, anh đã có những người bạn đến từ Pháp, Đức. Đó là ông Michel (kinh doanh nhà hàng tại Pháp), con của một cựu chiến binh Pháp từng tham chiến ở Việt Nam. Ông Michel kể rằng, khi cha ông trở về từ Việt Nam, ông không bao giờ nói về chiến tranh mà luôn nói đến vẻ đẹp văn hóa và con người Tây Nguyên. Cha ông rất yêu văn hóa của vùng đất huyền ảo này. Đó là lý do thôi thúc ông đến Việt Nam.

Ông Michel đã “theo dấu cổ vật” được anh Phiệt giới thiệu trên các hội, nhóm và tìm đến Pleiku. Tại đây, ông được nhà sưu tập này tiếp đãi như một người bạn. Vị khách người Pháp nói rằng, chính các nhà sưu tập tư nhân như anh Phiệt đã giúp những người bạn quốc tế có thể “một bước chân đã chạm được vào quá khứ ngàn năm của người Tây Nguyên và vùng đất huyền ảo của họ”.

Ông Michel (đứng giữa)-con của một cựu binh Pháp từng tham chiến tại Việt Nam đến xem bộ sưu tập của anh Nguyễn Thế Phiệt. Ảnh: NVCC

Ông Michel (đứng giữa)-con của một cựu binh Pháp từng tham chiến tại Việt Nam đến xem bộ sưu tập của anh Nguyễn Thế Phiệt. Ảnh: NVCC

Một người bạn nước ngoài khác là Tiến sĩ Bjoer Wode (người Đức) cũng từng đến chiêm ngưỡng bộ sưu tập của anh Phiệt. Tiến sĩ Bjoer Wode có 10 năm thực tập, sinh sống tại vùng rừng núi huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum); đồng thời là người đam mê hiện vật dân tộc học Tây Nguyên và có bộ sưu tập tại nhà riêng ở Đức.

Anh Phiệt nhắc nhớ: “Bjoer Wode nói với tôi phần lớn hiện vật về Tây Nguyên anh sưu tầm ở nước ngoài thông qua các trang thương mại Ebay, Alibaba... với mức giá cắt cổ. Vì vậy, khi đến xem bộ sưu tập của tôi, Bjoer Wode không ngừng trầm trồ và ngỏ ý mua vài món nhưng tôi không bán.

Người ta nói giới sưu tầm cổ vật lập dị cũng có lý. Mỗi cổ vật có khi quý giá với người này nhưng lại vô giá trị với người khác. Nhưng khi bước vào cuộc chơi rồi mới hiểu, họ có những kỷ niệm riêng, cảm xúc riêng với từng món đồ. Chúng khiến người sưu tập cảm thấy hạnh phúc khi sở hữu”.

Ngoài những người bạn nước ngoài, anh Phiệt cho biết giới chơi cổ vật ở Pleiku và toàn tỉnh cũng thường xuyên giao lưu, kết nối. Năm 2022, anh Phiệt cùng một số nhà sưu tập tư nhân đã đưa các sưu tập ra trưng bày trong một hoạt động của Bảo tàng tỉnh. Một số nhà sưu tập còn “hào phóng” tặng lại nhiều hiện vật cho Bảo tàng. Họ cũng được trao chứng nhận vì đã có những đóng góp trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương.

Tuy nhiên, các nhà sưu tập tư nhân như anh Phiệt mong muốn tỉnh Gia Lai sớm thành lập hội cổ vật để có sân chơi chung, tổ chức các sự kiện, triển lãm, trưng bày… nhằm giới thiệu rộng rãi giá trị của cổ vật đến công chúng.

“Cổ vật chính là một lát cắt cho thấy bản sắc, chiều sâu văn hóa của một vùng đất. Với sưu tập cổ vật đồ sộ, thuộc nhiều loại hình do các nhà sưu tập tư nhân đang nắm giữ tại Phố núi, minh chứng cho một vùng đất vừa phát triển, hiện đại, vừa rất giàu bản sắc văn hóa. Cổ vật cũng sẽ là những sứ giả văn hóa giúp bạn bè trong nước và quốc tế biết đến vùng đất cao nguyên nhiều hơn”-anh Phiệt tâm sự.

Có thể bạn quan tâm