Thời sự - Bình luận

Sự răn đe cần thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với việc Cơ quan An ninh điều tra, Công an TPHCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi tố vụ án để điều tra, xử lý hình sự các sai phạm trong phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh cho người khác và có khả năng lây lan trong cộng đồng. Động thái tố tụng kịp thời này được người dân đồng tình ủng hộ.

Đây không phải lần đầu tiên dịch Covid-19 lây lan từ một người sang nhiều người xuất phát từ sự vô ý thức của những bệnh nhân mắc Covid-19. Tháng 3-2020, bệnh nhân 17 và bệnh nhân 34 trở thành hai nguồn “siêu lây nhiễm” vì không tuân thủ các quy định về khai báo y tế và đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người khi đã mắc Covid-19. Thời điểm ấy, trên các phương tiện truyền thông cũng như trên mạng xã hội có những bài viết, ý kiến đặt vấn đề xử lý nghiêm các cá nhân này. Tuy nhiên, đã không có hình thức xử lý nào được đưa ra.

Có ý kiến cho rằng, nếu 2 bệnh nhân này phải nhận hình phạt tương xứng với hậu quả nghiêm trọng do mình gây ra để làm gương, thì có lẽ không có trường hợp vi phạm quy định trong thời gian cách ly như bệnh nhân 1.342, khiến TPHCM và cả nước một lần nữa bước vào cao điểm chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn không ít người lơ là, không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 cũng khiến dư luận bức xúc. Do vậy, xử lý nghiêm minh, công khai các hành vi vi phạm làm cho dịch bệnh lây lan sẽ là sự răn đe cần thiết, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn các trường hợp chủ quan, thiếu ý thức về mặt pháp luật, thiếu tuân thủ quy định cách ly, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả nỗ lực phòng chống dịch của cả nước.

Trở lại với việc khởi tố vụ án hình sự nói trên, Công an TPHCM khẳng định, sẽ điều tra toàn diện, khách quan để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Nhưng bên cạnh đó, người dân tin tưởng cơ quan điều tra sẽ phát hiện các lỗ hổng (nếu có) trong quản lý các khu cách ly, trong phòng chống dịch để kiến nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh. Bởi mức xử phạt cao nhất đến 200 triệu đồng, hoặc mức án cao nhất đến 12 năm tù (theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”) đối với một cá nhân cũng chẳng thể so sánh được những tổn thất nặng nề, những tác động nghiêm trọng về mọi mặt mà cả nước phải gánh chịu. Từ những trường hợp như bệnh nhân thứ 100 không tuân thủ các khuyến cáo cách ly, làm gia tăng nguy cơ phát tán dịch Covid-19; bệnh nhân 1.342 tự do tiếp xúc với nhiều người trong khu cách ly tập trung và trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà… đã đặt ra yêu cầu siết chặt công tác quản lý khu cách ly tập trung, giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà.

Thời điểm cuối năm đang cận kề, TPHCM và cả nước đang nỗ lực vượt bậc để thực hiện nhiệm vụ kép khôi phục nền kinh tế, khi người người, nhà nhà đang mong ước đón tết cổ truyền an lành, sung túc, hạnh phúc; đặc biệt là khi trong nước chuẩn bị diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng thì công tác phòng chống dịch phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt nhất, đảm bảo mức độ an toàn cao nhất.

Theo ÁI CHÂN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm