Phóng sự - Ký sự

Sự thật sau những tác phẩm để đời-Kỳ 1: Ao thu xanh mướt giữa vườn Bùi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao thế hệ người Việt đã thấm sâu những dòng thơ Thu trác tuyệt của Nguyễn Khuyến, hay man mác hoài niệm cùng Hai đứa trẻ của Thạch Lam, da diết yêu thương với Núi Đôi của Vũ Cao ... Nhưng từ trang sách ra đời thực thế nào?
 
Lạch nước hình dáng tự cây bút lông trước sân nhà cụ Nguyễn Khuyến xưa - Ảnh: THÁI LỘC
Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, vẫn tháng ngày vun đắp thêm xanh khu từ đường nhìn về phía lạch nước hình cây bút lông và cái ao thu tựa nghiên mực nhà nho xưa.
Về làng Nguyễn Khuyến
Ấn tượng đầu tiên ở "làng Nguyễn Khuyến" là ngôi đình Vị Hạ (xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam) cổ kính tuyệt đẹp hướng ra cánh đồng mướt xanh. Thật ngỡ ngàng khi bước vào đình, những mảng chạm khắc lá hoa và các linh vật rất có hồn.
Cụ thủ từ Lê Công Dật tự hào về ngôi đình được công nhận di tích quốc gia năm 1997 này được làm từ thời Trần, ngót nghét 7 thế kỷ, là nơi thờ bốn vị thần tôn kính của làng. Cụ diễn giải về lịch sử và kiến trúc đình, rằng 28 cây cột bằng gỗ lim đường kính 70-80cm, tương ứng với nhị thập bát tú, tức 28 vì sao. "Cháu biết vì sao các cây cột không đồng đều nhau không? Các ngôi sao có ngôi to, ngôi nhỏ nên kích thước cột cũng to, nhỏ khác nhau. Mà này, mỗi cây cột ở đây đều được các cụ xưa đặt theo tên một vì sao riêng. Chúng tôi tiếc là không lưu lại được", cụ Dật khắc khoải tâm sự.
Nhưng điều tự hào hơn cả của dân làng vẫn là danh nhân Nguyễn Khuyến, bậc tài năng và đức độ tỏa ngời, được nhiều đời sau trọng vọng, truyền lưu mãi mãi với tên "làng Nguyễn Khuyến". Con đường từ quốc lộ 21A dẫn vào làng, qua các xóm đến tận nhà cụ Tam nguyên được gọi tên "đường Nguyễn Khuyến". Rồi cây cầu bêtông đầu làng cũng là "cầu Nguyễn Khuyến", hàng cây mượt xanh một bên sấu một bên keo cạnh cầu cũng được gọi tên "hàng cây Nguyễn Khuyến". Còn nữa là "công viên Nguyễn Khuyến", "thư viện Nguyễn Khuyến" nằm đây đó khắp làng...
Cụ Dật khoe đầu tháng 9 vừa rồi, Quỹ học bổng Nguyễn Khuyến đã phát thưởng cho chừng 100 học sinh khá giỏi và tân sinh viên của làng. Cụ còn bảo chúng tôi nên đến làng nhân ngày giỗ cụ Nguyễn Khuyến dịp rằm tháng giêng. Khi ấy, ao thu giữa vườn Bùi cùng căn nhà xưa được cụ Tam nguyên Yên Đổ nhiều lần đưa vào thơ trở thành nơi tổ chức lễ hội quan trọng nhất của làng...
 
Nội điện thờ danh nhân Nguyễn Khuyến - Ảnh: THÁI LỘC
Không gian rất thực vào thơ
Môn tử môn, chiếc cổng cổ kính dẫn vào vườn Bùi với căn nhà gỗ theo lối cổ phía trước là sân gạch rộng có 2 cây nhãn già to hơn 2 người ôm. Ao thu nằm khuất sau hàng cây tươi tốt, nhiều hoa lá mượt xanh.
Truyền nhân hiện sống trong khu di tích quốc gia được công nhận tháng 1-2019 này là ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến. Tôi vượt qua ngôi nhà 7 gian để vào từ đường 3 gian đằng sau, nơi thờ tự và trưng bày nhiều hiện vật, tác phẩm cùng bức tượng cụ Tam nguyên Yên Đổ. Người hậu duệ xúc động kể nhiều về những hiện vật đang được thờ cúng, rằng cái lư có đôi rồng cách điệu chúng tôi vừa thắp hương từng bị đánh cắp, bán qua nhiều chủ, sau 35 năm được người ta tìm đến trả lại một cách kỳ lạ. Rồi cái hộp đựng mũ, hộp đựng sách sơn son thếp vàng...
Ông Tùng nói riêng cái sập thờ là mới làm sau này. Sập xưa cũng bị đánh cắp trong thời khó, sau mấy mươi năm lưu lạc Nam Định, Hải Phòng, có người ngỏ ý trả lại nhưng gia đình không đồng ý nhận, bởi không thể đem thờ vật đã bị trộm cắp và ăn nằm trên đó...
Ông Tùng nay 78 tuổi, cùng người vợ Lê Thị Hằng - một nhà giáo hưu trí, đang sinh sống và gìn giữ khu nhà vườn xưa của cụ Nguyễn Khuyến. Không chỉ thuộc thơ vanh vách, ông Tùng còn diễn giải một cách rất riêng, rất thú vị về áng thơ trác tuyệt của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Có lẽ, ông nhiều năm sinh sống dưới mái nhà cụ tổ, giữa khung cảnh mà những vần thơ, những cấu tứ cứ như giao hòa hữu cơ vào từng gốc cây, ngọn cỏ, lạch nước, bờ ao và vào cả tâm hồn ông...
Ông lý giải cụ tổ đưa mọi thứ trong không gian sống của mình vào văn thơ rất trung thực vì lo cảnh tam sao thất bản sau này. Nào là "Bảy gian nhà nhỏ tháng ngày ung dung/Tây nam có lạch nước trong" (Ngày hè ngẫu thành), "Trước cửa chừng hơn một mẫu ao" (Mua cá) cho đến "Chín sào tư thổ là nơi ở" (Xuân nhật nhị chư nhi)... đúng đến từng chi tiết. Chỉ tiếc vì nhiều lý do, khu vườn 9,4 sào bị thu hẹp còn hơn phân nửa, ao thu từ 1,3 mẫu còn 6 sào. Riêng ngôi nhà 5 gian 2 chái, vốn bị tháo dỡ gần trăm năm trước, vừa được đầu tư làm lại theo trí nhớ truyền lưu và theo những vần thơ cụ tổ để lại.
Sâu lắng ở ao thu
Thơ thẩn quanh sân nhà, dưới những gốc nhãn cổ thụ và các loại hoa trái sum sê mượt xanh, tôi cảm nhận bức tranh quê trong thơ của "thi nhân làng cảnh VN" quá thật. Từ ngôi nhà, khu vườn, bờ cây, ao thu... được Nguyễn Khuyến đưa vào thơ rất đỗi bình dị, tinh tế và sinh động. Vị chủ nhân nói lạch nước nằm ngang trước sân tượng trưng cho bút lông, còn ao thu cách một bờ đê đang thả sen hồng sen trắng bên kia chính là nghiên mực.
Chúng tôi tiếp tục men theo bờ ao, bước đi trên lối nhỏ phủ đầy lá khô, một bên trồng tre trúc dày đặc, một bên là dãy cây mít, cây nhãn và những bụi mẫu đơn hoa đỏ hoa vàng la đà mặt nước. Ngồi bệt xuống đám lá, trông xuyên mấy tán cây, từng mây vẫn lơ lửng trên nền trời xanh ngắt. Chợt nghĩ đến câu nói của hậu duệ Nguyễn Thanh Tùng: "Người ta đọc thơ là vậy, nhưng hiểu được danh nhân khó lắm, không phải dễ đâu".
Đúng thật, bên bờ ao thu giữa khu vườn xanh ngát, ngẫm ngợi bài thơ Thu điếu mà cứ thấy lảng vảng nỗi buồn; "ôm cần" mà thế giới suy tư rất khác, khác hẳn với bức tranh mùa thu trác tuyệt vây quanh thi nhân. Ông Tùng bảo nhiều người hiểu nhầm về thơ cụ tổ. Ông cho rằng "cá đâu đớp động dưới chân bèo" ở câu cuối không phải là cá ăn. "Thu điếu không chỉ là câu cá mùa thu, mà là lời điếu văn của cụ khóc cho chính cụ, khóc dòng tộc, khóc quê hương, khóc đất nước, khóc làng cảnh Việt Nam bị kẻ giặc giết chết", ông Tùng suy tư tâm sự...
Người hậu duệ dẫn lời thế hệ trước, cho biết sau khi Nguyễn Khuyến cáo quan về quê năm 1884, thủ lĩnh khởi nghĩa Hương Khê Phan Đình Phùng từng đến mời cụ tham gia nghĩa quân. "Cụ trả lời ông có cách của ông, tôi có cách của tôi...". Kể từ đó, giữa khu vườn bên trong cổng Môn tử môn, cụ đã dạy chữ cho biết bao môn sinh về tình yêu thiên nhiên mà cũng chính là hun đúc tình yêu dân tộc, Tổ quốc mình...
Ví mình là "thảo dân"
"Năm gian nhà cỏ thấp le te/Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe/Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/Làn ao lóng lánh bóng trăng loe... - thưa, cụ không nói lợp cỏ. Cỏ là thảo, vua quan gọi dân là thảo dân. Cụ đang khiêm tốn ví mình về với dân và như thảo dân, chứ nhà cụ bằng gỗ lim không phải lợp cỏ. Nếu không về tìm hiểu thì bị lầm lẫn đấy", ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Người dân Đăkglei, Kon Tum sống giữa đại ngàn Ngọc Linh dùng cây thông ba lá làm củi, làm đèn thắp sáng và làm cả lễ vật hôn nhân linh thiêng. Đó chính là cây xà nu trong truyện ngắn nổi tiếng Rừng xà nu...

Kỳ tới: Xà nu - lễ vật hôn nhân

Thái Lộc (TTO)

Có thể bạn quan tâm