Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Chuyện học ở Chư A Thai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện học ở các làng: Kinh Pêng, Trớ, Hek, Plei Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đang ngày càng “đơm hoa kết trái”.

Đó không chỉ là cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, tỷ lệ chuyên cần được duy trì ổn định, mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của người dân về sự học của con em mình.

Ánh sáng của tri thức

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô bé Rơmah H’Thiết (10 tuổi, làng Hek) là nụ cười tươi tắn và cách nói chuyện vô cùng tự tin. Chỉ về phía khuôn viên sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der, H’Thiết tâm sự: “Em thích nhất câu tục ngữ được ghi trên tấm bảng hiệu gần cổng trường “Người mà không học khác gì mò mẫm trong đêm”. Em thấy bà ngoại, mẹ và các anh chị sống rất khổ, lại còn rất buồn vì không biết chữ. Vì vậy, em sẽ vâng lời thầy cô, cha mẹ, cố gắng chăm chỉ học tập để có cuộc sống tốt hơn”.

Ít ai biết H’Thiết là 1 trong 12 đứa trẻ đầu tiên từng ở núi Cheng Leng được đến trường. Cách đây hơn 7 năm, H’Thiết theo gia đình từ núi Cheng Leng xuống định cư tại ngôi làng mới. Hồi đó, em không biết tiếng phổ thông và vẫn còn khép nép khi thấy người lạ. Hôm nay, dáng vẻ nhút nhát ngày nào đã không còn, thay vào đó là sự dạn dĩ, vui tươi. “Hiện em đang học lớp 5. Em rất thích tham gia các phong trào, hoạt động của trường. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố bị bệnh tâm thần nhưng em vẫn quyết tâm đến trường học chữ. Hàng năm, được các thầy cô hỗ trợ xe đạp, quần áo, sách vở… em vui lắm”-H’Thiết xúc động chia sẻ.

Cô bé Rơmah H’Thiết (bên trái, 10 tuổi, làng Hek) là 1 trong 12 đứa trẻ đầu tiên ở núi Cheng Leng được đến trường. Ảnh: Trần Dung

Cô bé Rơmah H’Thiết (bên trái, 10 tuổi, làng Hek) là 1 trong 12 đứa trẻ đầu tiên ở núi Cheng Leng được đến trường. Ảnh: Trần Dung

Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng đất này từ những ngày gian khó, thầy Ksor Kớt-Giáo viên điểm trường làng Hek nhớ rõ từng gương mặt, từng hoàn cảnh của học trò. 26 năm công tác, điều khiến thầy trăn trở nhất chính là những ngày tháng vất vả đi vận động các em tới trường. Ngày ngày, trên chiếc xe đạp cũ, thầy băng qua những con đường đất gồ ghề, có những hôm mưa to, phải vác xe trên vai. Tới lớp, nhiều hôm chỉ thấy lác đác vài ba em nhưng thầy vẫn không bỏ cuộc.

Thầy Kớt nhớ lại: “Hồi đó, điện đường, trường lớp còn heo hút, nghèo nàn lắm. Lũ trẻ chỉ thích theo mẹ lên rẫy, vào rừng hái măng. Những năm đó chỉ có một số ít trẻ em của 2 làng Kinh Pêng và Plei Pông tới lớp thôi. Từ năm 2017, khi Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn được triển khai, chúng tôi tích cực đi vận động trẻ ở 4 làng ra lớp, đặc biệt là những hộ từ trên núi Cheng Leng di dời xuống làng Hek. Họ hầu như không biết chữ, thậm chí còn không biết viết tên của mình. Thầy cô phải mua kẹo, bánh tới nhà để trò chuyện với phụ huynh và các em. Cũng phải mất một thời gian dài, bà con mới tin tưởng cho con tới lớp”.

Học sinh mẫu giáo tại điểm trường làng Plei Pông vui đùa sau giờ học. Ảnh: Trần Dung

Học sinh mẫu giáo tại điểm trường làng Plei Pông vui đùa sau giờ học. Ảnh: Trần Dung

Nhắc nhớ chuyện cũ, ông Đinh Yinh-Trưởng thôn Hek đưa ánh mắt xa xăm. Ông kể: “Cách đây 10 năm, người dân sống trong nghèo nàn, lạc hậu. Cái đói, cái nghèo đã khiến cho nhận thức của bà con càng hạn chế. Không mấy người thuận lòng cho con em mình tới trường học chữ. Trong làng chỉ có vài em theo học.

Khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống của dân làng ngày càng ổn định hơn, mọi người ai cũng nhận ra chuyện học là vô cùng quan trọng. Chỉ có con chữ, chỉ có kiến thức mới giúp ta thay đổi được cuộc sống. Vậy nên, hàng năm, nghe lời tuyên truyền, vận động của thầy cô, các gia đình cho con tới lớp. Hiện nay, làng có 96 cháu đang theo học ở 4 bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT”.

Cùng chung niềm vui ấy, ông Đinh Tuy-Bí thư Chi bộ làng Plei Pông-cho hay: “Người dân chúng tôi rất vui mừng bởi đời sống khởi sắc sau khi Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai. Chúng tôi cùng nhau nỗ lực lao động sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho con em mình tới trường, mở rộng cánh cửa tương lai”.

Thầy Ksor Kớt nhớ rõ từng gương mặt, từng hoàn cảnh của những đứa trẻ ở 4 làng Đồn. Ảnh: T.D

Thầy Ksor Kớt nhớ rõ từng gương mặt, từng hoàn cảnh của những đứa trẻ ở 4 làng Đồn. Ảnh: T.D

Nắm tay cô con gái 7 tuổi vào lớp học của thầy Kớt, anh Đinh Bai (làng Hek) tự tin nói: “Đã qua rồi những ngày khó khổ, các con không được tới trường học chữ. Đường sá nay thuận lợi, lớp học ngay giữa làng nên chúng được đi học thường xuyên. Mong rằng các con của mình sẽ vui vẻ học thật nhiều điều mới, kiến thức hay để sau này có hành trang tốt xây dựng cuộc sống”.

Cánh cửa tương lai rộng mở

4 làng Đồn hôm nay rộn ràng bởi cảnh sắc mới, con người mới. Mỗi lần đến với nơi này, chúng tôi lại càng cảm nhận rõ hơn về sự đổi thay từng ngày của một vùng đất với những trục đường được bê tông hóa, những ngôi trường thơm mùi sơn mới. Và ở đây, 453 căn nhà vững chãi của người dân 4 làng Đồn đang trở thành điểm tựa của những đứa trẻ trên hành trình đi tìm con chữ. Bà con hiểu rằng, chỉ có con chữ mới giúp con em mình bước ra với thế giới tươi đẹp.

Tự hào đưa những tấm giấy khen của các con khoe với chúng tôi, anh Đinh Aniy (làng Hek) phấn khởi: “Những thành quả này giờ là động lực và ánh sáng của cuộc đời những người làm bố, làm mẹ như chúng tôi. Năm 2018, sau khi được hỗ trợ di dời, sắp xếp lại nhà cửa về nơi ở mới, vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế và vững tâm cho con cái đến trường cùng các bạn. Năm nay, con gái lớn đã bước vào lớp 10, con trai út thì học lớp 2. Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì các con rất ham học”.

“Sự học” ở 4 làng Đồn: Kinh Pêng, Trớ, Hek, Plei Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang ngày ngày “đơm hoa kết trái”. Ảnh: Trần Dung

“Sự học” ở 4 làng Đồn: Kinh Pêng, Trớ, Hek, Plei Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang ngày ngày “đơm hoa kết trái”. Ảnh: Trần Dung

Còn ông Đinh Oanh (làng Trớ) thì bày tỏ: “Cuộc sống của chúng tôi thực sự đổi thay khi được Nhà nước hỗ trợ cây-con giống mới có năng suất, chất lượng cao. Hiện gia đình tôi có 1,5 ha mì, 8 sào lúa nước và chăn nuôi thêm 12 con bò. Đây là điều kiện vững chắc để gia đình yên tâm cho con cái theo học chữ. Trước đây, cũng vì đói nghèo mà chúng tôi không được đi học nên hôm nay phải nỗ lực phát triển kinh tế để con cháu mình đến trường, tiếp thu những cái hay, cái tốt đẹp”.

Đến nhà vận động em Ksor Hiếu (làng Hek) quay trở lại lớp học, cô Hồ Thị Năm-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der-cho hay: “Hiếu là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, nhà lại đông anh em. Tôi thường xuyên theo dõi, gần gũi nắm bắt tình hình để kịp thời hỗ trợ, động viên em. Hàng năm, ngoài sách vở, quần áo, nhà trường còn hỗ trợ xe đạp cho Hiếu”.

Cô Năm kể, trước đây, đường sá đi lại khó khăn; nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, học sinh hay nghỉ học theo mùa vụ để theo bố mẹ đi rẫy… Giáo viên là người trực tiếp tới nhà, tới rẫy tìm đưa các em về lớp học. Khó khăn cũng dần qua khi đời sống và nhận thức của bà con thay đổi. Nếu trước đây, ở 4 làng Đồn chỉ có gần 100 em đi học thì hiện con số này đã là hơn 270 em.

Trường có 2 điểm trường lẻ tại làng Hek và làng Trớ, đảm bảo cho các em nhà xa trường trung tâm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức bán trú cho gần 100 học sinh. Mô hình bán trú này được phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Các em học sinh thích thú với bữa ăn bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der. Ảnh: T.D

Các em học sinh thích thú với bữa ăn bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der. Ảnh: T.D

Nói về những khởi sắc trong chuyện học ở 4 làng Đồn, Chủ tịch UBND xã Siu Tinh cho biết: Hành trình đổi thay bắt đầu khi Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn được triển khai năm 2017. Từ đó, đời sống người dân ngày càng trở nên sung túc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm.

Sau khi triển khai đề án, cơ sở hạ tầng tại 4 làng Đồn được quan tâm đầu tư mới như: bê tông hóa đường trục xã với chiều dài khoảng 12 km; xây mới điểm trường thuộc Trường Mẫu giáo Hoa Sen tại 2 làng Hek và Plei Pông; xây mới 4 phòng ở cho học sinh bán trú, 1 nhà bếp, 1 kho bếp, 1 nhà ăn cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der. Đồng thời, tu sửa, mua sắm trang-thiết bị dạy và học cho các điểm trường tại 4 làng Đồn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo các trường học, các thôn, làng thường xuyên tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến lớp. Những năm học gần đây, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giảm rõ rệt; 100% trẻ em ra lớp đúng độ tuổi.

“Khoảng 10 năm trước, 4 làng Đồn chỉ có 2 em tốt nghiệp THPT; nhiều em sau khi học xong THCS đã nghỉ học do nhà xa, điều kiện đường sá đi lại khó khăn. Hiện nay, 4 làng Đồn có gần 20 em đã tốt nghiệp THPT, trong đó có 3 người trở về làm cán bộ xã, 2 em đang theo học đại học; 10 em đang học THPT; trên 150 thanh niên được đào tạo có chứng chỉ nghề; 3 thanh niên đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và 15 người đang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Nga…

Đến nay, nhận thức của người dân về sự học đã thay đổi rõ rệt. Sự nghiệp “trồng người” nơi đây không còn gian nan, vất vả như những năm trước mà đã bước sang trang mới. Trường học giờ đây là ngôi nhà thứ hai, là cánh cửa để con em đồng bào dân tộc thiểu số đến với con chữ”-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai khẳng định.

Có thể bạn quan tâm