Phóng sự - Ký sự

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.

Những bức họa ấy không chỉ thể hiện được tài năng, sự sáng tạo mà còn chứa đựng trong đó tình cảm, tấm lòng của các giáo viên vùng cao nơi đại ngàn xứ Nghệ với con trẻ.

Giáo viên và Bộ đội biên phòng ở xã Tam Hợp cùng chung tay để vẽ tranh gây quỹ mua sách cho học sinh. Ảnh: ĐINH TUẤN

Giáo viên và Bộ đội biên phòng ở xã Tam Hợp cùng chung tay để vẽ tranh gây quỹ mua sách cho học sinh. Ảnh: ĐINH TUẤN

“Cái khó ló cái khôn”

Những ngày tháng Tám “nắng rám quả bòng”, lên một trong những nơi được mệnh danh là tâm điểm nóng nhất của Nghệ An, gặp ông Lữ Ngọc Toàn, bảo vệ Trường mầm non Hòa Bình, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, mặt đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại bên đống đồ nghề: cưa, đục, bào, dao, rìu... vừa hì hục với đống phế liệu chủ yếu là gỗ chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của tui là bảo vệ, nhưng thấy nhà trường phát động phong trào tận dụng phế liệu làm đồ chơi cho con trẻ trước khi bước vào năm học mới nên đã tự nguyện tham gia. Sau khi các cô lên ý tưởng rồi phác họa các đồ chơi, tui sẽ là người bào, cắt gỗ, khoan... các cô đóng, gia cố, vẽ trang trí và hoàn thiện...”.

Đa số trường học mầm non ở các huyện vùng cao thuộc diện 30a của Nghệ An, trong đó có Trường mầm non Hòa Bình còn thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất trang thiết bị cho dạy và học. “Cái khó ló cái khôn”, để chuẩn bị tốt cho năm học mới 2024-2025, cùng với chỉnh trang, vệ sinh trường lớp, các giáo viên Trường mầm non Hòa Bình, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương đã nảy ra sáng kiến phát động phong trào cùng nhau tự tay làm đồ chơi, đồ dùng và thiết bị dạy học vô cùng độc đáo và bắt mắt, từ những phế liệu đã qua sử dụng. Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Bình Trần Thị Hiền cho biết, hoạt động làm đồ chơi, đồ dùng và dụng cụ dạy học cho trẻ là hoạt động thường niên của nhà trường chuẩn bị năm học mới. Theo đó, nhà trường đã liên hệ và các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn để xin các vật liệu đã qua sử dụng như: gỗ, lốp xe, sắt thép, ống nhựa... để làm đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập cho trẻ. Sau tập kết vật liệu về trường, các cô giáo cùng nhau tháo dỡ, vệ sinh sạch sẽ rồi mới tiến hành chế tác các đồ chơi, đồ dùng. Năm nay, nhà trường làm được rất nhiều loại đồ chơi cho trẻ từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm. Nhiều bộ đồ dùng, đồ chơi mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao, phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ mầm non đã được tạo ra từ chính đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của các giáo viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi đến trường. Các loại đồ chơi cho trẻ đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ để sản phẩm sau khi hoàn thành không chỉ đẹp mà còn phải bảo đảm an toàn cho các em học sinh trong quá trình vui chơi và học tập”, cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trường mầm non Hòa Bình chia sẻ.

Ngược theo Quốc lộ 7A cách Trường mầm non Hòa Bình khoảng 5 km lên Trường mầm non Xá Lượng. Bước chân vào trường đã thấy bức tranh “Gia đình”. Đây là bức tranh ghép bằng đá thứ ba về cùng một chủ đề được cô giáo Lô Thị Hòe, giáo viên Trường mầm non Xá Lượng thực hiện. Bức tranh nổi lên với gam mầu ấm áp, được sử dụng song song hai chất liệu gốm mầu nước và đá đem đến cho người xem những xúc cảm về sự yêu thương, gắn kết.

Những bức tranh của cô và trò Trường mầm non Xá Lượng (Tương Dương).

Những bức tranh của cô và trò Trường mầm non Xá Lượng (Tương Dương).

Những tấm lòng đá núi

Cô giáo Lô Thị Hòe năm nay 35 tuổi, gần 15 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non. Với đặc thù riêng của công việc, việc vẽ và trang trí góc học tập, đồ dùng đồ chơi được cô và các đồng nghiệp thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, việc vẽ tranh để gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo và mua sách cho thư viện trường là điều khá mới mẻ. Hoạt động này cũng đem đến cho cô nhiều tình cảm đặc biệt. Cô bộc bạch: “Tôi đã vẽ được khá nhiều bức tranh và một số bức đã có người mua. Số tiền không lớn những tôi thật sự vui vì chúng tôi đã lan tỏa được việc làm ý nghĩa. Tôi cũng tin rằng, với hoạt động này, không chỉ riêng tôi mà cả những người mua tranh cũng thấy hạnh phúc vì đã góp được một phần nhỏ cho học sinh vùng cao. Tổ vẽ tranh của Trường mầm non Xá Lượng có 8 giáo viên và đều là những giáo viên có năng khiếu về hội họa. Để chuẩn bị cho Chương trình “Bức tranh yêu thương”, nhiều tháng qua, sau giờ học hoặc tranh thủ những ngày nghỉ, các cô lại cùng nhau lên ý tưởng, chuẩn bị nguyên, vật liệu và tập trung để vẽ tranh với nhiều đề tài khác nhau.

Trước đó, khi xây dựng chương trình này, ban giám hiệu nhà trường đã đặt ra mục tiêu, đó là sẽ bán những bức tranh do cô và trò nhà trường cùng sáng tác để gây quỹ xây dựng thư viện và góc đọc sách ở các lớp, tặng bóng đèn điện đọc sách cho sáu trẻ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ thêm về điều này, Phó Hiệu trưởng nhà trường - cô giáo Lê Hồng Quang cho biết: Phát triển văn hóa đọc là mục tiêu mà trường chúng tôi đã đặt ra từ đầu năm học và để làm được điều đó cần rất nhiều yếu tố như xây dựng thư viện trường, các góc đọc sách ở các lớp học tại các điểm trường lẻ và mua sách cho học sinh. Trong nhiều phần việc, giáo viên nhà trường đã hưởng ứng việc vẽ tranh với mong muốn những bức tranh do cô và trò cùng làm sẽ được nhiều người yêu thích, mua và ủng hộ nhà trường. Mỗi bức tranh được bán ra là một câu chuyện và một ý nghĩa khác nhau. Dù giá trị của một bức tranh không lớn chỉ 300 nghìn đến 700 nghìn đồng, nhưng chúng tôi thấy được đằng sau đó là tấm lòng, là trách nhiệm của các cô giáo và của các nhà trường. Hiện trường đã bán được khá nhiều bức và thu được hơn 10 triệu đồng và chúng tôi sẽ còn tiếp tục để đem đến nhiều niềm vui, ý nghĩa cho học trò. Thông qua việc bán tranh, gây quỹ chúng tôi mong rằng, có thêm nguồn kinh phí để mua sách cho học sinh của trường. Hàng chục bức tranh được bán thành công không chỉ ghi nhận tài năng của các giáo viên mà còn chứa đựng ở đó tấm lòng của cộng đồng đối với sự học của học sinh mầm non vùng cao khó khăn... Chúng tôi cũng cảm ơn các nhà hảo tâm, những người đã ủng hộ chương trình trong thời gian qua. Đây sẽ là nguồn động viên vô giá để chương trình tiếp tục được triển khai, lan tỏa và từ đó sẽ có thêm nhiều thư viện, nhiều đầu sách quý giá cho học trò vùng cao, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương Võ Tuyết Chinh bày tỏ thêm.

Cách xa trung tâm huyện hơn 50 km, nơi vùng sâu biên giới, tại Trường mầm non Tam Hợp, không chỉ giáo viên mà Chương trình “Bức tranh yêu thương” còn được sự tham gia hưởng ứng của phụ huynh và của các anh bộ đội đóng trên địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Tam Hợp. Nói về chương trình này, Phó Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Nhàn cho biết: Hầu hết học sinh mầm non dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa này đều thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa và các em ở với ông bà. Do không có người chăm sóc nên sau giờ học hoặc dịp nghỉ hè các cháu thường ra sông, suối tắm và chơi rất nguy hiểm. Với mong muốn học sinh có một sân chơi ý nghĩa, trường chúng tôi đã xây dựng tủ sách cho học sinh. Ở đó, hằng ngày trên lớp các em được xem sách, được tham gia các hoạt động nhằm phát triển ngôn ngữ. Để có được những bức tranh đẹp, các giáo viên đã vượt đường xa có khi hơn cả trăm km để nhặt từng viên đá, về chà rửa sạch phơi khô, trang trí, ghép lên tranh vẽ. Trong quá trình thực hiện, còn có sự hỗ trợ của các học trò nhí, của phụ huynh và của nhiều lực lượng khác trên địa bàn. Nhiều nơi, phụ huynh còn chung tay để mua mầu, mua khung tặng nhà trường.

Chia tay các giáo viên mầm non các trường vùng cao Tương Dương về xuôi, bên bờ các con suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc. Trên trán cô trò lấm tấm mồ hôi nhưng lại ánh lên niềm vui khi đang bước vào năm học mới tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng!

Cô Lô Thị Hòe chia sẻ: Học sinh ở các huyện vùng cao chịu nhiều thiệt thòi vì rất nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, phải ở nhà với ông bà. Vì thế, tôi làm bức tranh “Gia đình” với ý nghĩa về sự kết nối. Tôi mong rằng, xem bức tranh này, mỗi người sẽ thấy yêu gia đình mình hơn và trân quý những giây phút được ở bên nhau.

Theo Minh Thư (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm