Phóng sự - Ký sự

Thầy tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Ngôi làng bình yên

Quê tôi làng Bất Nhị (Điện Phước, Điện Bàn), hồi nhỏ tôi nghe ai đó giải thích “bất nhị” là không hai. Không hai lòng, không hai hàng, không hai tình yêu nước… Hình ảnh tôi nhớ nhất là cây đa Bình Long, gần nhà bà Mười Hàm, sáng chiều đi học trường xã, bấy giờ gọi là trường Kỳ Ngọc, tôi đều ngang qua cây đa cổ thụ ấy. Vừa có chút thần bí, linh thiêng vừa uy nghiêm đứng làm dấu cho việc ướm khoảng đường còn lại để mỗi khi về đến nhà. Chếch xuống là ngôi nhà ngói tường trắng hình như là duy nhất trong làng của con trai ông Nghè Trần Quý Cáp. Cái chết lẫm liệt của Cụ Trần được truyền tụng trong dân, dẫu còn nhỏ nhưng bọn trẻ trong làng chúng tôi hầu như đứa nào cũng thuộc với lòng ngưỡng mộ.

Bây giờ thấy những tấm hình bờ tre, ruộng lúa ở giữa có một ngôi nhà tranh ai cũng nao lòng về một thời ấm áp làng quê. Tôi có những đêm trăng thanh mười sáu, trẻ con trong làng chia thành hai phe đánh trận giả, thôi thì đủ cả, có cục gạch làm máy truyền tin, có súng bời lời gắn thêm cái cổ chai để cho tiếng nổ to và đanh hơn, còn “đạn” là những cục đất bệ vô tận… kết thúc trận chiến đấu ấy là mồ hôi mồ kê ướt đẫm, hổn hển bình luận về chiến thắng và sự ngoan cường của đứa mô đó.

Hồi trước mốc bảy tuổi là vào tiểu học, trước đó thường bọn trẻ trong làng được qua một lớp không thuộc “chính ngạch” nhưng quan trọng gọi là “vỡ lòng”. Người khai tâm con chữ đầu tiên cho tôi năm sáu tuổi ấy là thầy Dũng ở xóm dưới. Cha tôi trong bộ đồ trắng đầy kính trọng dẫn tôi đến gặp thầy như đến gặp bậc tư tế. Thầy Dũng trẻ, hình như chưa lập gia đình nhưng rất nghiêm, đứa mô không viết tập là phải chịu quất mấy cái roi dâu đau điếng nhớ đời. Tụi tôi lớn lên, nhiều bạn thành danh, tôi nghĩ có phần đóng góp không nhỏ từ những bài tập viết đầu đời cùng với nỗi sợ nơm nớp cái roi dâu ấy.

Thời gian in đậm ký ức

Nghe kể nhà tôi ngày trước cũng vào loại đủ ăn nhưng khi tôi lớn lên thì nhà sa sút lắm. Công việc lớn nhất mà cha tôi được chịu chức trọn đời là… tộc trưởng, cha làm ruộng nhưng mộ đạo Phật, có cảm giác một công việc cha làm không bao giờ dễ duôi là chép và đọc kinh hằng đêm. Cha thuộc hạng người “có chữ” ở làng, chữ đây là chữ nho. Quyển vở được buộc gáy lòi cả đoạn chỉ, cha gấp dọc để làm hàng.

Ngạc nhiên của tôi là chữ ấy được viết từ trên xuống và từ phải qua. Cây bút lông có ống quản đậy, cái đĩa đất nhỏ làm nghiên, cục mực tàu được cha mài trên cái “nghiên” ấy. Thỉnh thoảng tôi được cha giao cho việc đọc một bài kinh bằng chữ quốc ngữ để cha chép lại bằng chữ nho (còn gọi là chữ Hán). Mỗi tháng nhà ăn chay có khi tới mười ngày, nhiều khi không có chi ăn, cha lấy trái chuối mốc chín vàng, cắt từng lát bỏ vào chén tương. Vậy mà ngon dễ sợ. Nhà lợp rạ, mùa mưa nước từ mái tranh ấy nhễu xuống vàng khè, những bữa cơm quê nghèo hầu như ngày nào cũng độn khoai, sắn… Không mấy khi thấy mẹ đi chợ trừ vài ngày giỗ kỵ và chuẩn bị Tết. Nghèo nhưng bình yên, cây trái quanh nhà, hàng tre khóm mít bao bọc lấy cha con tôi.

Sau 1963 chiến tranh ác liệt lan cả miền Nam, nhà tôi bị giặc đốt, mẹ tôi bị thương nặng, tôi được gửi về Quảng Hậu, một làng nhỏ ở phía dưới làng Giáp Ba (Điện An) ở với cậu Tám, một người có học nhưng chẳng làm chi được ngoài mấy sào ruộng. Thời gian tôi ở Quảng Hậu không nhiều, chỉ hơn năm nhưng đấy là khoảng thời gian in đậm trong ký ức. Thuở ấy làng Quảng Hậu bình yên bên dòng sông Vĩnh Điện, hai bờ tre xanh nghịt kéo dài bất tận, tôi được đi học “chính quy” trở lại sau một năm bỏ lỡ. Ngôi trường chỉ hai phòng học, tôi học lớp Bốn với thầy Đặng Linh.

Lớp học thời chiến tranh

Do chiến tranh nên lớp tập trung học sinh nhiều nơi, xa từ Bình Long xuống như tôi có mấy bạn, còn lại là trong làng Quảng Hậu ấy, học ngày một buổi. Tiếng trống trường cũng cũ kỹ như chính ngôi trường, tụi tôi bắt đầu vào lớp và ra về theo cái tiếng trống lẻ loi ấy. Giờ ra chơi hai lớp dồn lại trên sân chỉ hơn sáu chục bạn, nhưng thầy Linh là linh hồn cho tất cả. Nghe đâu thầy Linh là giáo viên của trường xã trên, do chiến tranh nên thầy về cái lớp lẻ này.

Không biết do cái tuổi ngoài năm mươi hay quy ước sư phạm thời ấy, thầy Linh gọi chúng tôi bằng con và xưng thầy. Một năm lớp Bốn ngắn ngủi nhưng những ngày học ở Quảng Hậu in đậm trong giấc mơ của tôi. Làng nghèo, cậu Tám càng nghèo, nhà cậu có cây khế trái to như hai bàn tay úp, trái nhiều và hình như chẳng ai buồn hái. Nó rụng đầy gốc, thỉnh thoảng tôi leo hái một trái, sau này đọc đâu đó thấy câu “Trái khế chua cả mắt ai nhìn” mà nước miếng cứ tứa ra. Thấy tôi cắt lát khế năm cạnh chấm muối, cậu Tám thường la “Mi ăn nhiều đau bao tử đó”.

Cho tôi nói thêm một lời về người cậu đặc biệt này. Cậu tốt với tôi và mẹ tôi quá chừng, những ngày mẹ tôi từ Đà Nẵng về thăm con, bao giờ cậu cũng nói mợ nấu cho nồi xôi. Xôi trắng dẻo chấm với chút muối mè. Con đã ăn nhiều món trên đời, nhưng cái đũa xôi trắng ngày ấy của cậu cứ quấn lấy con không phai mờ. Cậu có hai thói quen là hút thuốc Cẩm Lệ, lá thuốc nhứt làm áo quấn mấy đoạn lá nhỏ vào trong. Cậu quấn thuốc rất đẹp, tròn quyn và cái cách ngậm điếu thuốc ấy mới đặc hiệu. Một bên môi, vừa nói chuyện, vừa phập phò. Khói thuốc trắng xanh quấn đầy câu chuyện. Còn một thói quen nữa là cậu hay quét nhà, hở là cậu cầm chổi lên quét, một ngày quét không biết bao nhiêu lần cái nhà tôn nhỏ xíu. Cậu hay nói “Đói cho sạch, rách cho thơm”, nhiều khi nghe mợ than “sạch trơn chớ có chi mà thơm”.

Từ ngôi nhà tôn ấy mỗi ngày tôi đi học một buổi, trường gần nhà chỉ cách một đám ruộng, đi bộ dăm phút. Đời tôi có may mắn được học với nhiều thầy cô, mỗi người để lại trong tôi một ấn tượng nào đó. Dĩ nhiên là kiến thức và phong cách ngưng đọng lại làm nên hiểu biết cho tôi. Nhiều lần tôi nhẩm đếm tất cả các thầy cô mà tôi may mắn được học, từ thầy Dũng, thầy Hỷ ngày đầu đến lớp cho đến thầy Cấp hướng dẫn cho tôi sau này, mỗi thầy cô là một chân trời.

Ai đó nói rằng thầy cô cũng giống như người chèo thuyền, nhiệm vụ của người học trò chân chính là phải biết quên người chèo thuyền kia. Đó là nói kiểu triết lý theo nghĩa mỗi người phải biết nâng mình, vượt qua kiến thức cũ. Đó là nói cao xa chứ nhớ Thầy là cái nhớ ân nghĩa con người. Trong các cái quên đáng chê trách nhất trên đời là quên ơn những người chèo thuyền đưa ta đến dòng sông kiến thức.

“Thầy Linh thương mình nhứt”

Thầy Linh hiền nhưng nghiêm, tôi chưa thấy thầy quát nạt bạn nào trong lớp, nhưng cái giọng của thầy khiến ai trong chúng tôi cũng bị thu phục một cách tự nhiên. Thầy giảng tất cả, từ cách trí cho đến toán đố nhưng ấn tượng hơn cả là những bài tập đọc và quốc sử. Thầy thuộc lòng gần như tất cả các môn, chẳng ai kiểm tra hay dự giờ nhưng thầy truyền đạt cho chúng tôi như cắt lòng mà để. Thầy dặn học bài, thầy bày cách giữ gìn vệ sinh. Cuộc đời có những điều mình nghe một lần mà nhớ, hơn thế là như một định hướng tâm hồn và cả ý thức hình thành tính cách cho mình. Thầy Linh giảng bài mà như nói riêng cho từng người trong lớp.

Cuộc sống với biết bao biến thiên, gần sáu mươi năm từ năm học ấy nhưng tôi không quên cái lần thầy dặn cả lớp: “Các con ạ, phải biết chấm cái dấu chấm trên chữ I một cách ngay ngắn, cũng như ai bắc nồi nấu cơm mà để lệch trên bếp kiềng thì thường lòng dạ người đó không ngay ngắn”. Tôi cũng nhiều năm nấu cơm trên bếp kiềng, cũng mỗi ngày viết chữ và bao giờ cũng vậy, tôi luôn nhớ “cái chữ là sự ngay ngắn của lòng dạ con người”. Một lần khác, trong bài học giữ gìn vệ sinh thân thể, thầy dặn mỗi lần váy tai “các con phải quay cái tai của vào phía tường, để không ai sơ ý va vào tay mà thủng màng nhĩ”. Đơn giản nhưng nó thành nguyên tắc cho tôi mỗi khi cần phải làm cái việc thường xuyên nho nhỏ này.

Tôi thường được thầy cho làm sơ-mi (cộng điểm hàng tháng), xong việc tôi mang đến nhà thầy ở gần cầu Giáp Ba (sát phía bắc Vĩnh Điện - Điện Bàn). Trước nhà thầy có bụi mía mưng, những thân mía mập ú vàng tươi, mỗi khi đến nhà như vậy, thầy thường thưởng cho tôi một đủm mía. Cầm đủm mía về nhà là chặng đường của niềm vinh quang, hạnh phúc, tôi mơ hồ “Thầy Linh thương mình nhứt”, ấy là tôi đoán chủ quan vậy, chứ trong lớp còn có một số bạn khác cũng được thầy cho làm sơ-mi. Hình như thầy Linh không muốn cái công việc đầy tự hào này dồn lại cho riêng một ai. Tôi đã qua nhiều lần phát động, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một sự thi đua ngấm ngầm nhưng đáng nhớ giữa các bạn học trong lớp như ngày đó.

Sau này chiến tranh ác liệt, ngôi trường nhỏ ấy cũng đóng cửa, thầy Linh tản cư ra Đà Nẵng, tôi cũng vậy. Tôi vẫn còn nhớ như in năm ấy, trên con đường quốc lộ 1, mẹ con tôi đi bộ từ Vĩnh Điện ra Đà Nẵng, gần tới chỗ cầu Cẩm Lệ, tôi chợt thấy thầy Linh dắt chiếc xe đạp ngang màu đỏ, gương mặt thất thần. Sau yên xe không phải chiếc cặp da cũ ngày nào mà là một cái bao lớn đồ đạc… Tôi gọi lớn “Thầy Linh”, thầy chỉ gật đầu nhẹ và đạp vội trên đường...

Mấy chục năm cuộc đời, qua biết bao cảnh ngộ, ở rất nhiều nơi, đến nhiều điểm, học nhiều trường, nhiều lớp, có những nơi mình nhớ như in, có những thầy bền chặt trong tâm tưởng mình còn hơn nỗi nhớ. Thầy Linh dạy tôi thời tiểu học là người như thế.

Ai đó nói rằng thầy cô cũng giống như người chèo thuyền, nhiệm vụ của người học trò chân chính là phải biết quên người chèo thuyền kia. Đó là nói kiểu triết lý theo nghĩa mỗi người phải biết nâng mình, vượt qua kiến thức cũ. Đó là nói cao xa chứ nhớ Thầy là cái nhớ ân nghĩa con người. Trong các cái quên đáng chê trách nhất trên đời là quên ơn những người chèo thuyền đưa ta đến dòng sông kiến thức.

Theo MAI ĐỨC LỘC (ĐNO)

Có thể bạn quan tâm