Văn hóa

Sự trùng hợp khó hiểu về vị hậu hiền đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Với công tích đó, ông Nguyễn Văn Tứ được suy tôn là một trong những hậu hiền đất An Khê. Tuy nhiên, sử nhà Nguyễn còn chép về một Nguyễn Văn Tứ khác với nhiều sự trùng hợp khó lý giải.

Ông Nguyễn Văn Tứ-người được các bậc cao niên suy tôn hậu hiền đất An Khê là con của Tiền quân đô thống-Quận công Nguyễn Văn Thành, một công thần hàng đầu của Vua Gia Long. Tài kiêm văn võ, ông cùng với Lê Văn Duyệt có công đầu trong việc đánh bại nhà Tây Sơn, phò Nguyễn Ánh lên ngôi. Thế nhưng cuối cùng lại phải chịu một kết cục bi thảm theo quy luật “điểu tận cung tàng” cũng như các công thần Lê Văn Duyệt, Lê Chất hay Đặng Trần Thường sau này.

Ông Nguyễn Việt Quang, hậu duệ đời thứ 13 của Tiền quân Nguyễn Văn Thành trước bàn thờ tổ tiên. Ảnh: N.T

Ông Nguyễn Việt Quang, hậu duệ đời thứ 13 của Tiền quân Nguyễn Văn Thành trước bàn thờ tổ tiên. Ảnh: N.T

Theo ông Nguyễn Việt Quang-hậu duệ đời thứ 13 (trú tại tổ 7, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thì sau khi Tiền quân Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, 6 bà vợ của ông cùng với các con tứ tán mỗi người mỗi ngả. Riêng người vợ thứ 6 mang theo 3 con lên An Khê ẩn náu, Nguyễn Văn Tứ là con út. Sau thảm án, Vua Gia Long đã cho một số con cái của Tiền quân Nguyễn Văn Thành ra làm quan.

Theo đó, 2 người anh xuống Bình Định nhậm chức, còn ông Tứ ở lại với mẹ. Một thời gian sau, ông Tứ cũng được cho ra làm quan, giữ chức An Tây Thượng đạo, cai quản nguyên Cầu Bông (Tây Sơn, Bình Định). Ông có 2 con là Nguyễn Văn Chẩn và Nguyễn Văn Lưu cũng đều được làm quan: Nguyễn Văn Chẩn làm quan đến chức Cai đội, Nguyễn Văn Lưu giữ chức Thủ úy thành Bình Định (về chi tiết, tác giả đã có bài “Hậu hiền đất An Khê Nguyễn Văn Tứ và hậu duệ qua các sắc phong triều Nguyễn” đăng trên báo Gia Lai ngày 7-4-2022).

Sẽ chẳng có gì để nói nếu trong “Đại Nam liệt truyện”-Quốc sử quán triều Nguyễn tập 2, quyển 22 cũng có những dòng ghi chép về một Nguyễn Văn Tứ với những sự trùng hợp. Ông Nguyễn Văn Tứ trong “Đại Nam liệt truyện” là “người huyện Tuy Viễn, trấn Bình Định, trước theo giặc (tức Tây Sơn) làm Chưởng cơ. Năm Quý Sửu (1793) ra đầu hàng, liền bổ Trung quân doanh quản chấn nghĩa chi khâm sai chưởng cơ. Mùa hạ năm ấy theo Nguyễn Văn Thành tiến đánh Phú Yên… Năm Gia Long thứ 3 thăng Hữu quân thiễn võ chánh vệ, rồi về già xin về hưu. Năm thứ 16 (1817) bổ An Tây Thượng đạo, giữ nguyên Cầu Bông… Tứ có 2 người con là Chẩn và Lưu. Chẩn tập ấm làm quan đến Cai đội, Lưu làm quan đến Thủ úy thành Bình Định”.

Như vậy, chỉ có sự khác biệt về quê quán, xuất thân, còn chức tước và tên họ, chức vị 2 người con của ông Nguyễn Văn Tứ đều trùng hợp. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự nhầm lẫn của “Đại Nam liệt truyện” hoặc là gia đình ông Nguyễn Việt Quang?

Trước hết là phía “Đại Nam liệt truyện”. Đại Nam liệt truyện-Quốc sử quán triều Nguyễn như chúng ta biết là một công trình biên soạn tập thể, được thẩm định rất kỹ lưỡng. Trước khi khắc in và công bố phải dâng lên cho vua ngự lãm. Sự sai sót cũng có thể nhưng rất hiếm, nhất là trong trường hợp Nguyễn Văn Tứ. Nếu ông đích thực là con của Nguyễn Văn Thành thì không thể có sự nhầm lẫn chết người từ con của một “đệ nhất khai quốc công thần” của đương triều thành tướng của “cựu thù” Tây Sơn được. Hơn nữa, các quan mục nếu xuất thân là con nhà dòng dõi thì như một thông lệ, Đại Nam liệt truyện đều có chép tên cha, mẹ thì không lẽ gì với trường hợp Nguyễn Văn Tứ các nhà viết sử lại “nhầm”.

Còn về phía gia đình ông Nguyễn Việt Quang? Trả lời về sự trùng hợp khó hiểu này, ông Quang nói mình không biết. Là tộc trưởng, ông Quang chỉ biết thờ cúng tổ tiên kế tục các đời trước truyền lại. Minh chứng là từ đường do ông quản hiện có án thờ từ Tiền quân Nguyễn Văn Thành trở xuống. Đặc biệt, hiện ông Quang còn lưu giữ 13 đạo sắc, chỉ của nhà Nguyễn, trong đó có chiếu phong chức tước cho các ông Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Chẩn, Nguyễn Văn Lưu.

Về ông Nguyễn Văn Tứ, chiếu viết: “Nay qua biểu tiến cử của trấn quan trấn Bình Định, đặc chuẩn cho trông giữ nguồn Cầu Bông... Phàm công việc trong nguồn phải nghe theo trấn quan trong nguồn sao cho hợp lý, chăm chỉ làm việc theo đúng chức vụ. Nếu làm việc không cố gắng sẽ bị phạt theo luật. Hãy kính cẩn”. Về Cai đội Nguyễn Văn Chẩn, chức trách cụ thể, chiếu ghi rõ: “Quản lý quân tại ấp An Tây nhất (tức An Khê) và dân phụ lũy ở nguồn đó, theo Tứ ân hầu (tức Nguyễn Văn Tứ) tuần phòng để yên ổn vùng đó… Không chăm chỉ, chịu khó thì có quốc pháp đấy!”… Với Nguyễn Văn Lưu, vì để xảy ra việc trộm cắp thóc kho, chiếu “kỷ luật” chứng minh ông là người được giữ chức Thủ úy thành Bình Định: “Thủ úy Nguyễn Văn Lưu của tỉnh thành Bình Định không đốc suất tuần phòng, để cho kẻ trộm Văn Bách ẩn trong tỉnh thành ăn trộm thóc kho, tội phạt bổng 1 năm”.

Như vậy, qua những minh chứng trên đây cũng không thể nói có sự nhầm lẫn nào đó ở phía gia đình ông Nguyễn Việt Quang được. “Thờ nhầm” người không phải thuộc gia tộc mình hẳn nhiên là điều không bao giờ có. Khả năng còn lại là liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thực tế trong đời sống, việc trùng tên cha, con là có nhưng trùng cả chức tước, nơi trấn nhậm trong cùng khoảng thời gian dưới thể chế phong kiến là điều rất khó tin. Đây quả là một sự khó hiểu của lịch sử. Rất mong các nhà nghiên cứu nếu có dịp đề cập đến vấn đề này sẽ có sự giải đáp một cách thỏa đáng.

Có thể bạn quan tâm