Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Sử xã có cần giống sử huyện?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi báo Gia Lai số ra ngày 27-9-2022 đăng bài “Chép sử và sử chép”, người viết tiếp nhận nhiều ý kiến cho rằng, 3 cuốn sách lịch sử cấp xã thuộc Thị ủy Ayun Pa có những chỗ giống nhau, không phải là cá biệt. Kết quả khảo sát sơ bộ trường hợp cụ thể dưới đây có thể là câu trả lời bước đầu cho các phản ứng tích cực của độc giả, dư luận.

Theo quan sát, sách Lịch sử Đảng bộ xã Đất Bằng (1945-2015) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in năm 2020 và sách Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945-2007) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 2009 có nhiều đoạn giống hệt nhau hoặc tương tự.

Đất Bằng là một xã thuộc huyện Krông Pa. Hơn thế, cuốn sách công bố sau tham khảo công trình in trước gần 10 năm là điều bình thường, nếu tuân thủ các nguyên tắc trích dẫn khoa học. Tuy nhiên, sự sao chép (nếu có) trong mọi trường hợp lại là điều tối kỵ.

 Hai cuốn sách có nhiều phần giống nhau. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Hai cuốn sách có nhiều phần giống nhau. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Sách Lịch sử Đảng bộ xã Đất Bằng (viết tắt là LS Đất Bằng) tại trang 34 có đoạn: “Nhóm người Jrai Mthur cũng như Jrai Chor khu vực Cheo Reo-Krông Pa đều không có nhà rông như một số nhóm người Jrai sinh sống trên vùng đất cao nguyên Pleiku, mà chỉ có nhà dài. Ngôi nhà chung của buôn làng, mọi sinh hoạt trong cộng đồng được tổ chức tại một gian gọi là gian khách (amang) ngôi nhà dài của chủ làng (khoa bôn, buôn)... Nhà dài là kiến trúc độc đáo của người Jrai Mthur ở Đất Bằng, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong đại gia đình, đó cũng còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, uống rượu cần và tiến hành các công việc của cộng đồng theo luật tục...”. Phần này đã được in ở trang 34, 35 sách Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945-2007). Ngoài việc bỏ đi một vài từ ngữ, cuốn sách in sau chỉ chỉnh sửa 2 chi tiết: Không viết hoa chữ “rông” (nhà rông), sửa “nhà dài là kiến trúc độc đáo của người Jrai Mthur” nói chung thành “nhà dài là kiến trúc độc đáo của người Jrai Mthur ở Đất Bằng”.

Lịch sử Đất Bằng, trang 42, viết: “Sau khi cơ bản đánh chiếm và thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Tại vùng đông Cheo Reo, khu vực Krông Pa ngày nay có hạt Mlah bao gồm các tổng: Ơi Nu, Đất Bằng, Ma Rôk, Phú Cần…”. Nội dung các dòng y hệt như trên cũng đã có trong LS Krông Pa, ở trang 45; LS Đất Bằng không thêm bớt gì.

Lịch sử Đất Bằng, trang 43 viết: “Phát huy truyền thống đoàn kết Kinh-Thượng, đồng bào Jrai vùng Mlah-Cheo Reo đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ, Trần Cao Vân trong phong trào Cần Vương. Cùng với đồng bào Kinh và đồng bào Bahnar ở vùng đông Gia Lai, tây Bình Định, Phú Yên, đồng bào dân tộc ở vùng Mlah-Cheo Reo đã tham gia nhiều trận đánh do Võ Trứ chỉ huy vào năm 1898”. Đoạn này đã có trong LS Krông Pa, trang 58. So với LS Krông Pa, LS Đất Bằng đã sửa lỗi chính tả chữ “Đông”, đổi “nhân dân các dân tộc ở Cheo Reo” thành “đồng bào Jrai vùng Mlah-Cheo Reo”.

Lịch sử Đất Bằng, trang 44 có đoạn: “Cuộc đấu tranh của đồng bào Jrai vùng Mlah-Cheo Reo từ lúc thực dân Pháp mới xâm chiếm đến năm 1930, dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng, già làng người địa phương diễn ra mạnh mẽ, mang tính chất cục bộ, nhưng có cùng mục tiêu là bảo vệ độc lập, tự do cho buôn làng và truyền thống văn hóa của đồng bào (…). Đồng bào các dân tộc địa phương với truyền thống bất khuất, kiên cường, không cam phận làm nô lệ, ngay từ đầu đã nổi dậy chống Pháp quyết liệt, làm chậm bước xâm lược của thực dân Pháp”. Phần văn bản này cũng có trong LS Krông Pa, trang 66. Lịch sử Đất Bằng đã sửa “Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo” thành “Cuộc đấu tranh của đồng bào Jrai vùng Mlah-Cheo Reo”...

Khuôn khổ một bài báo không cho phép người viết trích dẫn nhiều hơn các phần giống nhau giữa 2 công trình nêu trên. Chưa khẳng định nhiều phần trong LS Đất Bằng đã sao chép LS Krông Pa (hoặc sách khác) nhưng các chứng cứ hiện hữu thực sự rất đáng để suy nghĩ. Lịch sử Đất Bằng là lịch sử của một xã, LS Krông Pa là lịch sử của một huyện (gồm nhiều đơn vị cấp xã). Trong LS Krông Pa chắc chắn có gương mặt, phần đóng góp của LS Đất Bằng, nhưng lấy các thông tin, nhận định từ một bộ phận (Đất Bằng) để đánh giá, khái quát về tổng thể (Krông Pa) sẽ khó tránh khỏi phiến diện, nếu không muốn nói là có thể thiếu chính xác.

Lịch sử Đất Bằng có cần nhiều trang đến thế không, khi mà trong nó nhiều phần đã được LS Krông Pa trình bày? Vì sao việc sử dụng thông tin, tư liệu từ một công trình đã được xuất bản trước gần 10 năm, lại không cần phải thực hiện các thao tác trích dẫn nghiêm túc? Một cuốn sách lịch sử chính thống được đầu tư biên soạn, in ấn công phu nhằm giáo dục, hun đúc lòng tự hào cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương thì có nên viết như vậy không?

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” vẫn còn nguyên giá trị. Người viết bài này xin được dành những câu hỏi trên cho các cá nhân, đơn vị có liên quan.

 

 NGUYỄN QUANG TUỆ

 

Có thể bạn quan tâm