Để khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu của cán bộ, hội viên, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gắn việc phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ về nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm...
Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn thông qua 724 tổ vay vốn, 1.029 tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Cùng với đó, các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tham gia các cuộc thi. Mặt khác, các cấp Hội chủ trì, phối hợp tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn, hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, hội thi “Nhà nông đua tài”, đưa sản phẩm của hội viên, nông dân tham gia các hội nghị, hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ; phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa sản phẩm của nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức phiên chợ nông sản và hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” để quảng bá và vinh danh các sản phẩm do nông dân sản xuất. Ảnh: Vũ Thảo |
Là đại diện duy nhất của tỉnh góp tên trong danh sách 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, chị Phạm Thị Phương (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) cho hay: “Hiện tại, gia đình trồng 4 ha nhãn, 3 ha na, 2 ha ổi và 300 cây dừa xiêm. Tận dụng diện tích dưới tán cây, tôi chăn nuôi thêm 10 con heo rừng lai để vừa cung cấp giống, vừa bán heo thịt”. Từ mô hình này, mỗi năm, gia đình chị Phương thu về 1,5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế gia đình ông Rơ Châm Hyunh (làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) cũng được cải thiện rõ rệt nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, gia đình ông sở hữu 4.000 cây cà phê, 1,5 ha cao su, 1 ha mì, 7 sào lúa nước 2 vụ và nuôi 3 con bò, 10 con heo sinh sản. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng/năm. “Trong các buổi sinh hoạt chi hội, tôi mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với hội viên. Hàng năm, tôi chủ động hỗ trợ 3-5 hội viên khó khăn về vốn sản xuất, mỗi hộ 5-10 triệu đồng”-ông Hyunh bộc bạch.
Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm khuyến khích, động viên nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua. Ảnh: Anh Huy |
Theo thống kê, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có 100.784 hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (chiếm 60% so với số hộ hội viên nông dân). Căn cứ tiêu chí bình xét thì có 66.485 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 132% chỉ tiêu Nghị quyết), trong đó, 307 hộ đạt danh hiệu cấp trung ương, 2.698 hộ cấp tỉnh, 15.127 hộ cấp huyện và 48.353 hộ cấp cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Nhuần, nhiệm kỳ 2018-2023, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, góp phần thúc đẩy hội viên nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết; từ sản xuất, tiêu thụ truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao và đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại... Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp trên 7,3 tỷ đồng, gần 37 ngàn ngày công; hỗ trợ cây-con giống trị giá trên 5,3 tỷ đồng để giúp đỡ 2.333 hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển kinh tế.