Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Sức sống mới của văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày hội văn hóa được tổ chức ở nhiều địa phương trong tỉnh là cơ hội để cộng đồng các dân tộc tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị di sản. Cũng từ sự kiện này, nhiều giá trị được khôi phục, đồng thời xuất hiện những sáng tạo mới mẻ cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của văn hóa khi được bảo vệ và phát huy đúng cách.

Giữa những dàn chiêng đồng tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II-2023 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), dàn chiêng tre của đoàn nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) được xem là “đặc sản”. Những chiếc chiêng dài, ngắn khác nhau làm từ tre già được các thành viên là những nghệ nhân lớn tuổi cho đến thế hệ măng non nhịp nhàng diễn tấu. Âm nhạc từ dàn chiêng tre như một lời ru êm ả của đại ngàn. Nghệ nhân Ưu tú Alip đi cuối đoàn, vẻ mặt không giấu niềm vui khi những chiếc chiêng tre độc đáo mang đến ngày hội một món ăn tinh thần mới lạ.

Dàn chiêng tre của đoàn nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II. Ảnh: Minh Châu

Dàn chiêng tre của đoàn nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II. Ảnh: Minh Châu

Ông cho biết, chiêng tre là nhạc cụ nguyên sơ nhất mà người Tây Nguyên tạo ra âm nhạc phục vụ đời sống. Họ chơi chiêng tre nhưng cũng không biết nó xuất hiện trước hay sau chiêng đồng. Do nhiều yếu tố, chiêng tre không còn được sử dụng phổ biến nữa. Chị Đinh Thị Lan-công chức Văn hóa-Xã hội huyện Đak Đoa-chia sẻ: Glar là địa phương duy nhất trong huyện còn giữ kỹ thuật chế tác và trình diễn chiêng tre, nhạc khí thô sơ nhất của người bản địa Tây Nguyên. Do đó, ngành Văn hóa huyện khuyến khích bà con khôi phục, gìn giữ giá trị văn hóa trước nguy cơ mai một.

Huyện Đak Đoa cũng là địa phương có nhiều cách làm mới để khuyến khích cộng đồng khôi phục, gìn giữ giá trị văn hóa. Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn huyện diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Ban tổ chức đã đưa thêm nhiều nội dung mới. Lần đầu tiên sự kiện có phần thi chế biến ẩm thực truyền thống và giã gạo chày đôi. Nếu phần thi giã gạo khiến nhiều phụ nữ ở các làng Bahnar được sống lại không khí rộn ràng, hào hứng của những ngày hội làng trước đây thì phần thi ẩm thực truyền thống lại là sân chơi để nhiều chị em ôn lại và khôi phục những món ăn đã lùi xa trong ký ức.

Chị H'Thúy (làng Ktu, xã Glar) chia sẻ, nếu không tham gia ngày hội, chị sẽ không dụng công để làm món muối cá trê gác bếp. Bởi để làm món ăn truyền thống này, thời gian phải tính bằng tuần, bằng tháng, chỉ phù hợp với lối sống chậm của ông bà ngày xưa. Du khách và người dân có dịp hiểu thêm mảng màu văn hóa ẩm thực đặc sắc của người bản địa Tây Nguyên. Các nội dung mới đưa vào ngày hội cũng khuyến khích sự tham gia của nhiều chủ thể, nhất là phụ nữ có nhiều “đất diễn” để tôn vinh sắc màu văn hóa của dân tộc.

Sắc màu mới tại các sự kiện văn hóa cũng cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của văn hóa. Hình ảnh những nữ pram, pơtul (hóa trang, múa hề) tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II hay các đội cồng chiêng nữ, múa trống nữ xuất hiện ngày càng nhiều là những sáng tạo mới mẻ của cộng đồng các dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Thi giã gạo chày đôi tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa. Ảnh: Minh Châu

Thi giã gạo chày đôi tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa. Ảnh: Minh Châu

Trong tháng 5 này, huyện Krông Pa sẽ tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số và hội chợ kết nối nông sản. Theo ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện, đây là hoạt động mở rộng của hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc toàn huyện những năm trước.

“Ngày hội không mang nặng tâm lý thi đấu, bà con thoải mái phô diễn hết cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc mình. Đây là lý do sự kiện thu hút đông đảo nghệ nhân, người dân tham gia so với các năm. Như xã Ia Rmok đăng ký số lượng người đông nhất từ trước tới nay, gần như tất cả các nội dung trong ngày hội. Đây là năm đầu tiên huyện đổi mới hình thức tổ chức, đồng thời là tiền đề để những năm sau mở rộng quy mô, mời thêm một số địa phương lân cận như: Phú Yên, Bình Định, Đak Lak tham gia nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, từ đó nâng tầm thành ngày hội văn hóa-du lịch”-ông Mạo cho biết.

Có thể bạn quan tâm