Thời sự - Bình luận

Ta đang mắc bệnh nan y là "rất thích nịnh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đưa ra quy định “không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng”, Bộ Nội vụ không hề giải thích thế nào là “nịnh”, thế nào là “không trong sáng”, vì thế, đó chỉ là một quy định giấy, chết yểu ngay từ khi ban hành.

Bộ Nội vụ từng giải thích: quy định công chức không được nịnh bợ sếp, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng không dễ gì luật hóa được, vì nội dung này mang tính chất hành vi. Ảnh: Thuỳ Linh
Quy định “không nịnh bợ” nằm trong Đề án Văn hóa công vụ đã được chính thức phê duyệt hồi đầu năm 2019.
Chống nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ trong sáng. Điều đó quá tốt rồi.
Nhưng thế nào là nịnh. Không một lời giải thích. Không ai giải thích.
Nịnh vì động cơ không trong sáng thì lại càng mơ hồ. Ở chỗ, động cơ thế nào, trong sáng hay trong tối thật ra chỉ người nịnh mới biết. Có trời mới bắt bẻ được.
Năm 2019, khi Đề án được phê duyệt, đã có những ý kiến rằng chính Bộ Nội vụ phải luật hoá được khái niệm nịnh cấp trên rất mơ hồ ấy. Bởi nếu không, nó sẽ chỉ là một quy định giấy.
Nghĩ đi nghĩ lại giữa nịnh và khen, thật ra cũng quá mơ hồ. Nó mong manh đến mức không ai có thể xác định được ranh giới- một cách chính thức, dẫu thâm tâm có khi thừa biết.
Cho nhau “uống nước đường”, “ngồi máy bay giấy” là hiện tượng có thật, không có gì mới mẻ.
Những Hoà Thân, những Vi Tiểu Bảo với “công phu vỗ mông ngựa” cũng không phải chỉ có trên phim, trong tiểu thuyết- chúng ta vẫn chứng kiến hàng ngày tại cơ quan, công sở... thậm chí ở khắp nơi.
Và chính thói nịnh bợ đang có nguy cơ khiến cho việc cất nhắc, phân công, bổ nhiệm trở nên chủ quan, duy ý chí, phụ thuộc vào việc thích hay không, vừa lòng hay không từ người lãnh đạo.
Muốn dẹp bỏ thói nịnh bợ không trong sáng thì chỉ một quy định, vì thế là chưa đủ, nếu nó chỉ là một thứ quy định giấy, viết ra cho đẹp, cho vui...
Phát biểu tại một hội nghị về công tác cán bộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã nêu lại ý kiến của nhiều bí thư tỉnh uỷ chỉ ra tình trạng: “Ta đang mắc bệnh nan y “rất thích nịnh”. Kiểm điểm, phê bình, tự phê bình chủ yếu là nịnh nên đồng chí mình không biết được khuyết điểm”.
Thói nịnh bợ muốn dẹp bỏ phải từ người đứng đầu, phải là việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ để xếp hạng, thưởng/phạt, phân công, bổ nhiệm căn cứ vào hiệu quả công việc thực tế chứ không thể là chuyện thích hay không thích. Bởi chỉ có sự công khai minh bạch trong công tác cán bộ mới tránh được tình trạng “nâng đỡ không trong sáng”, mới là chìa khoá để xoá bỏ được hiện tượng nịnh bợ, để không thể nịnh bợ, không cần nịnh bợ.
ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm