Thời sự - Bình luận

'Tai mắt' cho nền công vụ hiện đại, minh bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn, triển khai từ giai đoạn 2025 - 2030 và sau năm 2030.

Trong số này, có 23.700 camera phục vụ giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm; gần 300 camera phục vụ quốc phòng và hơn 16.000 camera phục vụ giám sát quản lý nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị.

Con số 40.000 camera này không chỉ là con số cơ học về quy mô đầu tư mà còn thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thủ đô trong việc đẩy mạnh điều hành, quản lý nhà nước bằng công nghệ thông tin. Đây cũng là sự chờ đợi của người dân về một nền công vụ hiện đại, minh bạch, hiệu quả.

Khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, quy định mức phạt tiền tăng với nhiều hành vi vi phạm, không ít ý kiến lo lắng là có cách nào để tránh cho người dân bị "phạt oan". Chẳng hạn đang đi mà tín hiệu đèn chuyển màu đột ngột hoặc phải lấn vạch, vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên…, nếu tài xế bị xử phạt thì lấy gì chứng minh?

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, với những tình huống trên, cán bộ CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ sẽ phối hợp với đơn vị quản lý đèn, cho tài xế xem lại clip diễn biến toàn trình. Nếu vi phạm vì lý do khách quan, tài xế sẽ được miễn trừ; ngược lại nếu cố tình vi phạm thì không thể chối cãi.

Như vậy, cần ít nhất 2 yếu tố để người dân yên tâm không bị "phạt oan". Một là sự linh hoạt của cán bộ CSGT khi áp dụng quy trình xử lý, điều này đòi hỏi phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, cộng thêm công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bài bản. Hai là cơ sở để CSGT có thể linh hoạt, tức hệ thống camera ghi nhận hình ảnh của phương tiện, không có cách nào tốt hơn là đẩy mạnh đầu tư, tăng số lượng và độ phủ sóng - như cách TP.Hà Nội đang và sẽ làm.

Hệ thống camera giám sát không chỉ khiến người vi phạm "tâm phục, khẩu phục" mà còn giúp công tác quản lý nhà nước "lợi trăm đường". Camera sẽ như "tai mắt", "cánh tay nối dài" của lực lượng giám sát, quản lý, thực thi công vụ. Nếu số lượng camera đủ lớn để hiện diện trên mọi tuyến đường, việc kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ chủ yếu thực hiện thông qua màn hình thay vì con người, từ đó giảm số lượng CSGT phải trực tiếp ra đường, góp phần tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả.

Với hình thức xử lý vi phạm thông qua camera giám sát, CSGT sẽ không trực tiếp tiếp xúc với người vi phạm, đồng nghĩa những nguy cơ về tiêu cực, phiền hà bị triệt tiêu; pháp luật sẽ được thượng tôn, đã vi phạm thì phải bị xử phạt (và phạt không sai), không có chuyện thương lượng hay "cưa đôi" như nhiều người lo ngại.

Quan trọng hơn, một khi hệ thống camera phủ kín mọi tuyến đường, giám sát 24/24, ý thức tham gia giao thông chắc chắn cải thiện. Người dân phải luôn luôn tự nhủ chấp hành pháp luật mỗi khi tham gia giao thông, thay vì tâm lý đối phó theo kiểu chỉ đi đúng khi thấy bóng dáng CSGT. Ngược lại, lực lượng thực thi công vụ cũng phải tự điều chỉnh hành vi, tác phong, ngôn phong cho chuẩn mực, qua đó nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật.

Theo Tuyến Phan (TNO)

Có thể bạn quan tâm