Tai nạn giao thông lại tăng đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu kiềm chế, kéo giảm 5%-10% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông của tỉnh ta trong năm 2015 đã bị đe dọa nghiêm trọng khi tai nạn giao thông tháng 1 tăng vọt cả 3 chỉ số so với cùng kỳ năm 2014.

Dồn dập tai nạn
 

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Vĩnh Phúc

Khoảng 9 giờ 15 phút ngày 17-12-2014, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) rất nghiêm trọng đã xảy ra trên tỉnh lộ 667, đoạn chạy qua địa bàn thôn 1, xã Kông Yang (huyện Kông Chro). Vào thời điểm trên, xe ô tô tải BKS 81C-048.10 do anh Bùi Tấn Đài (SN 1982, trú tại tổ 3, phường An Phú, thị xã An Khê) điều khiển lưu thông hướng An Khê đi Kông Chro đã tông vào xe mô tô BKS 81H1-1908 do ông Trần Tâm (SN 1942, trú tại tổ 10, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) lái chở phía sau bà Nguyễn Thị Hà (vợ ông Tâm, SN 1944) chạy cùng chiều. Hậu quả ông Tâm và bà Hà tử vong ngay tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do Bùi Tấn Đài đã điều khiển xe ô tô đi không đúng phần đường quy định.

Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 11-1, một vụ TNGT thương tâm lại xảy ra tại Km 196 + 500m quốc lộ 19, thuộc địa bàn thôn 4, xã Thăng Hưng (huyện Chư Prông). Trong khi lưu thông hướng Pleiku-Đức Cơ, xe mô tô BKS 81P4-8714 do anh Ksor Ngun (SN 1977, trú làng Kành, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) điều khiển đã bị xe mô tô BKS 81U1-106.62 chạy ngược chiều do anh Rah Lan Cương (SN 1996, trú làng Lang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) điều khiển chở sau Rơ Lan Phan (SN 2001, trú cùng địa chỉ) tông vào. Hậu quả, Ksor Ngun và Rơ Lan Phan bị thương nặng và tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu còn Rah Lan Cương cũng bị thương phải nhập viện.

Chỉ 30 phút sau vụ tai nạn trên, một vụ TNGT rất nghiêm trọng khác đã xảy ra tại Km 174 + 50m quốc lộ 25, đoạn chạy qua thôn 1, xã Ia Pal (huyện Chư Sê). Xe ô tô BKS 43H-5265 do anh Phạm Tấn Định (SN 1980, trú tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) điều khiển lưu thông hướng Ayun Pa đi Chư Sê đã tông vào xe mô tô BKS 81T3-3113 chạy ngược chiều. Hậu quả, cả 2 người ngồi trên xe mô tô 81T3-3113 là anh Ksor Sức (SN 1991) và anh Hà Văn Thoa (SN 1972, cùng trú tại xã Ia Pal, huyện Chư Sê) tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do Phạm Tấn Định đã điều khiển xe ô tô đi không đúng phần đường quy định.

Thách thức phải vượt qua

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong tháng 1-2015 (tính từ ngày 16-12-2014 đến ngày 15-1-2015), toàn tỉnh xảy ra 23 vụ TNGT, làm chết 27 người và làm bị thương 15 người. So với tháng 1-2014, TNGT đã tăng vọt cả 3 chỉ số, cụ thể tăng 9 vụ (+64,29%), tăng 12 người chết (+80%) và tăng 1 người bị thương (+7,69%). Còn so với tháng 12-2014, TNGT cũng tăng 35,29% số vụ, tăng 50% số người chết và tăng 27,27% số người bị thương. Đáng nói là TNGT của tỉnh trong tháng 1-2015 đã xấp xỉ so với 2 tháng đầu năm 2014 (29 vụ, chết 32 người, bị thương 27 người).

 

Lực lượng Cảnh sát diễu hành sau trên đường phố Pleiku sau lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2015. Ảnh: Vĩnh Phúc

Đặt trong bối cảnh tỉnh ta vừa mới đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc kiềm chế, kéo giảm TNGT, sự tăng vọt số vụ và số người chết do TNGT trong tháng 1-2015 thực sự là một mối lo ngại lớn. Cụ thể là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chậm chuyển biến; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa tác động mạnh và làm chuyển biến hành vi khi tham gia giao thông của học sinh, sinh viên và người dân vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên càn quấy không đội mũ bảo hiểm, chở người quá quy định, phóng nhanh, vượt ẩu; tình trạng người dân điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa huy động và phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các giải pháp kiềm chế và giảm thiểu TNGT. Các lực lượng thực thi công vụ còn thiếu cả về con người lẫn phương tiện, thiết bị và việc áp dụng công nghệ trong triển khai công vụ chưa cao, còn mang tính thủ công dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, sự gia tăng của phương tiện...

Việc khắc phục những yếu kém trên không phải là chuyện dễ dàng, có thể làm trong một sớm một chiều. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không thể kiềm chế, kéo giảm được TNGT. Bằng chứng là sau khi để TNGT tăng cả 3 chỉ số trong năm 2013, với việc đề ra được những giải pháp đúng đắn cộng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp đó, trong năm 2014, tỉnh ta đã kéo giảm đáng kể cả số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT. Đây chính là cơ sở, là tiền đề để trong năm 2015, tỉnh ta tiếp tục hướng đến mục tiêu kéo giảm 5%-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2014, triển khai công tác năm 2015 mới đây. Thách thức này tuy lớn nhưng không phải không thể vượt qua nếu chúng ta huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và triển khai được những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm