Thời sự - Bình luận

Tấm áo giáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

12 tiếng mỗi ngày trong bộ đồ phòng hộ, khẩu trang bịt bùng kín mít. Đối diện thường trực với nguy cơ lây nhiễm. Đúng! Đó không chỉ là làm việc: Đó là chiến đấu.

 

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn



Bệnh nhân 990. Nữ, 25 tuổi, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình. Lây nhiễm chéo từ bệnh nhân.

Dòng thông tin đơn sơ, vắn tắt rất phổ biến mà chúng ta vẫn gặp hằng ngày.

Nhưng đằng sau đó là một câu chuyện thật sự cảm động về sự tận tuỵ của người thầy thuốc.

Nữ điều dưỡng H, cho đến khi bị lây nhiễm đã trực chiến tại khu cách ly liên tục từ ngày 31.7.

12 tiếng túc trực chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày, toàn là bệnh nhân COVID-19. Trong đó có bệnh nhân 935. Ông cụ, 91 tuổi, nhiều bệnh nền nặng, không có người thân bên cạnh, nôn ói liên tục.

Chăm sóc, trong bộ đồ phòng hộ, khẩu trang bịt bùng, điều hoà không khí bị hạn chế.

Đúng, chị đã “chiến đấu” với 200% sức lực của mình - như đánh giá của Giám đốc Bệnh viện Gia Đình.

Nhưng rồi điều mà không ai mong muốn vẫn cứ xảy ra: H bị lây nhiễm COVID-19 từ bệnh nhân.

Cách đây vài hôm, thế giới tê tái xúc động khi chứng kiến “dòng suối mồ hôi” ào ra - đến ướt sàn- khi một nhân viên y tế cởi bỏ bộ đồ bảo hộ.

Những khuôn mặt hằn vết vì khẩu trang chuyên dụng, những dòng suối mồ hôi, những thân xác rã rời, những ca làm việc trắng đêm, ngày nối ngày căng thẳng, những stress... Và nguy cơ lây nhiễm thường trực.

Đúng đấy. Họ đang chiến đấu chứ không phải chỉ làm việc. Chiến đấu bằng sự tận tụy đến hy sinh. 

Gần 30 nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19... nhưng không một ai trong số họ lùi bước. Tấm áo bảo hộ đã không thể bảo vệ được họ trước nguy cơ lây chéo, nhưng họ đang chính là tấm áo giáp bảo vệ cộng đồng.

Câu chuyện về H và sự hy sinh lặng thầm của chị khiến chúng ta nhớ đến ước mong giản dị của một bác sĩ: Giá như dịch trên toàn thế giới lắng xuống, giá như tất cả đều được về nhà, giá như trận chiến này thật sự kết thúc.  Anh, cũng nói thay cho các y bác sĩ - về động lực khiến họ có thể vượt qua tất cả, để tận tụy đến tột cùng: “Đó là những lời động viên từ cộng đồng”. Đó là sự quan tâm của người dân để họ cảm thấy “đang làm nhiệm vụ của mình trong điều kiện được chăm sóc, được yêu thương”.

Chúng ta nên cảm ơn họ bằng cách nào?

Bằng cách tuân thủ các quy định, có khi đơn giản chỉ là đeo một chiếc khẩu trang, cài một phần mềm bluezone, hay bơn bớt chút ít tự do cá nhân, vì cộng đồng. Tự ý thức bảo vệ bản thân một chút thôi thì đã đỡ đần được bao nhiêu mồ hôi nước mắt của các y bác sĩ.

Biết ơn xin đừng chỉ là lời cảm ơn ngoài miệng.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tam-ao-giap-829629.ldo

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm