Lẽ ra, theo quy định tại Nghị định 81 năm 2021, các trường ĐH công lập được phép tăng học phí theo lộ trình, từng năm học. Nhưng 3 năm qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, việc tăng học phí ĐH được Chính phủ chỉ đạo hoãn lại; và theo chỉ đạo mới đây, năm học 2023-2024 cũng phải hoãn, nhằm hỗ trợ người dân có con em học ĐH đang còn khó khăn.
Chủ trương này được các trường ĐH chấp hành, cùng với đó là kiến nghị nhà nước hỗ trợ, bởi ngân sách công đầu tư cho giáo dục còn thấp (ở Việt Nam khoảng 0,23% GDP mỗi năm), trong khi học phí chiếm gần 80% nguồn thu của hầu hết các trường ĐH công lập.
Giữ ổn định học phí ĐH chưa hẳn là chính sách công bằng giáo dục, vì "nhà giàu" cũng được hưởng như "nhà nghèo", trong khi "nhà nghèo" mới là nhóm đối tượng thật sự cần nhà nước hỗ trợ. Còn "nhà giàu" không phải ai cũng muốn học phí rẻ, vì học phí thấp thì khó mà đòi hỏi chất lượng GD-ĐT cao, đó đã thành quy luật, nói nôm na là "tiền nào của nấy". Các gia đình có điều kiện kinh tế khi không chấp nhận chất lượng GD-ĐT trong nước, tức khắc sẽ cho con cháu đi du học nước ngoài. Đây chính là sự mâu thuẫn của chính sách.
Bên cạnh đó, cần hiểu đúng bản chất của tự chủ ĐH. Tự chủ tài chính không đồng nghĩa với việc buộc tự lực cánh sinh toàn diện. Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì không thể thiếu vắng vai trò nhà nước trong quá trình phát triển giáo dục công lập, trên thế giới chưa thấy quốc gia nào đứng ngoài cuộc.
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đã thí điểm tự chủ ĐH ở 5 trường, tới cuối năm 2022 cả nước có 141/232 trường đủ điều kiện thực hiện tự chủ. Mà mức độ tự chủ càng cao thì bị cắt giảm ngân sách càng nhiều, thậm chí cắt hoàn toàn. Vậy, nếu nguồn đầu tư từ ngân sách công không còn, lại không được tăng học phí, thì các trường ĐH "sống" bằng gì?
"Tấm chăn học phí" có bấy nhiêu, buộc các trường phải co kéo cho mọi hoạt động, như thế có thể ngầm hiểu là giáo dục ĐH chỉ có thể giẫm chân tại chỗ hoặc phát triển theo bề ngang, không thể phát triển theo chiều sâu. Hệ lụy sẽ rất lớn khi xã hội lún sâu vào tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, cung lệch pha cầu, thành phẩm từ hệ thống ĐH không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Lãng phí này, nếu quy đổi định lượng thành tiền, có khi không thua kém khoản ngân sách công mà lẽ ra phải nên chi cho phát triển GD-ĐT!
Lời giải cho bài toán này phải là sự hỗ trợ trước mắt của nhà nước cho hệ thống ĐH công lập để bù vào khoản hụt thu từ học phí. Tăng cường hơn nữa vai trò của tín dụng sinh viên. Cùng với đó là tăng đặt hàng từ nhà nước đối với các trường ĐH, căn cơ hơn là tăng tỉ lệ ngân sách công đầu tư cho GD-ĐT hằng năm.