(GLO)- Là người Hrê nhưng ông Phạm Văn Lân, thôn Nước Lang, xã Ba Vinh, Ba Tơ (Quảng Ngãi) sớm giác ngộ cách mạng. Ông hiểu đơn giản cách mạng là làm sao cho dân mình được bình yên, “có cơm ăn, áo mặc” như lời Bác Hồ dạy. Bằng sức của mình ông cầm súng chiến đấu và trở về với thời bình giải hòa bao vụ việc, xóa bỏ những tệ nạn cầm đồ thuốc độc, kết nối đoàn kết trong thôn xóm... Nay, dù đã 86 tuổi đời nhưng già vẫn là tấm gương sáng cho cả làng noi theo.
Nhà già Lân tuy nằm sâu trong hóc núi, bên con suối nhưng đường vào khá bằng phẳng. Từ ngoài quốc lộ 24 vào nhà già chừng khoảng 500 mét. Ngôi nhà xây kiên cố theo kiểu hiện đại khá mát mẻ bên rừng cây lấy gỗ trên chục năm tuổi. Già Lân vừa đi giải quyết một vụ mâu thuẫn trong làng trở về. Già cười hiền: “Trẻ bây giờ kích động quá. Hở là đánh nhau, là hiềm khích. Thời già nào có như thế. Sống nghĩa tình, cùng nhau lăn lộn trong núi chia bùi sẻ ngọt để đánh giặc, mong ngày hòa bình...”. Theo già thì vụ giải quyết lần này chỉ là vợ chồng đôi bạn trẻ xích mích vì chuyện bất đồng trong cấy sạ vụ mùa, dẫn đến to tiếng, bỏ bê công việc. Già phải đích thân đi để phân tích phải trái...
Dù tuổi đã cao, nhưng hàng già Lân vẫn đọc báo, xem ti vi để học lời hay ý đẹp khuyên bảo đồng bào mình. Ảnh: Mai Hạ |
Già Lân cho rằng: Chuyện xích mích vợ chồng thì dễ giải hòa, đáng lo nhất là xóm làng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc hay đi theo đạo Tin lành mê tín dị đoan... Trước đây, khoảng năm 1988-1989, nếu như xã Ba Dinh nổi cộm về nghi kỵ cầm độ thuốc độc và theo đạo Tin lành thì thôn Nước Lang là trung tâm của việc này. Già Lân kể vài trường hợp dẫn đến nghi kỵ cầm đồ thuốc độc rất đơn giản như tranh giành ruộng đất hay ganh ghét về kinh tế rồi phao tin là gia đình đó có thuốc độc để lôi kéo mọi người tin theo gây cô lập. Chính điều này đã gây mất đoàn kết trong thôn xóm, kinh tế ngày càng đi xuống. Già Lân xuất thân là người lính Cụ Hồ, già hiểu sự đoàn kết là cần thiết hơn bao giờ hết, nhưng muốn đoàn kết thì trước hết phải giúp bà con ổn định tư tưởng. Từ đó, họ mới an tâm làm ăn, kéo nhau đi lên. Nghĩ là làm, ban ngày bận việc đồng áng, đêm xuống già đốt đèn lặn lội đến từng nhà để khuyên giải. Một hai lần không nghe thì già đi nhiều lần để giảng giải hợp tình, hợp lý rồi dần dà nhiều người cũng nghe theo.
Khi dân làng ổn định tư tưởng thì ra sức làm ăn. Những sườn đồi ngày xưa bà con trồng lúa rẫy, trồng mì, khoai lang thì bây giờ bà con lại biết gieo ươm hạt trồng keo. Qua vài năm cây keo đem lại giá trị kinh tế rõ rệt. Nhà tranh vách đất không còn, cuộc sống của bà con ấm no hơn. Nhưng cũng từ cây keo mà mỗi mùa mưa về, già Lân chứng kiến đồi núi trơ trọi, xói mòn, sạt lở, sông suối đỏ ngầu một màu đất vì đồi núi rửa trôi. Ruộng đồng bị tàn phá... Già Lân thấy xót xa nhưng già không có cách gì ngăn cản bà con trước sức hút của đồng tiền từ bán cây nguyên liệu keo. Già đành khuyên con mình, “làm kinh tế thì không nên ăn xổi, mà phải ăn bền vững thì kinh tế mới phát triển lâu dài, con cháu mai sau được nhờ”.
Dù sức lực đã yếu nhưng trên sườn đồi ngày xưa canh tác hoa màu, giờ già đã trồng toàn bộ cây lâu năm, như sến, lim, huỳnh đàn, xà cừ... Để minh chứng điều này, vì sức yếu nên ông bảo con gái mình tên Phạm Thị Thênh đưa tôi lên đồi tham quan rừng cây của ông. Quả thật như lời ông nói, vườn cây đã tạo môi sinh trong lành, mát rượi, có cây đã to bằng cả người ôm, tán rộng. Bên dưới là những chùm thơm đến mùa cho trái... Chị Thênh tự hào: “Vườn cây này giờ có giá trị lắm nhưng ông già không cho bán... mình hiểu ý ông. Để cây thêm tuổi là vừa giữ đất và vừa cho thêm giá trị. Đã có nhiều người trong làng đến thăm và trầm trồ có ý định trồng theo.
Già Lân còn khuyên mọi người sống phải biết tiết kiệm, bởi già hiểu, đồng bào mình thường không biết giữ tiền hay chi tiêu thiếu hợp lý với đồng tiền lớn. Cứ sau đợt bán keo là mua sắm phung phí, hay tổ chức nhậu nhẹt, đám cưới rình rang. Nhưng sau đó hết tiền thì bán trâu, bò, bán thóc lúa hay đi vay nợ để ăn mùa giáp hạt. Già chỉ cách tiết kiệm, thay vì ngày xưa sản xuất một vụ được 10 bao lúa khô đủ ăn, giờ tăng sản xuất được 15 bao thì số lúa này nên để dành. Khi bán keo, bán trâu cũng thế, chỉ nên chi tiêu phân nửa, nửa còn lại để dành lo con cái, phòng khi đau ốm... Nói về việc làm của mình già Lân khề khà bảo: “Già may mắn làm lính Cụ Hồ, được nghe nhiều câu chuyện về Bác, già hứa với lòng về với thời bình già sẽ ra sức đóng góp làm những việc có ích cho dân cho làng. Đặc biệt giúp bà con có nhận thức sâu sắc về giá trị hòa bình, đoàn kết làm ăn. Loại trừ mọi thế lực lôi kéo chống phá...”.
Từ những việc làm của già Lân, những lời khuyên cụ thể sát sườn với cuộc sống, bà con trong làng tin tưởng và noi theo. Thanh niên ít rượu chè, tham gia an toàn giao thông đàng hoàng đúng pháp luật. Tấm lòng của già đã góp phần giữ bình yên trong thôn xóm. Già được bà con tin yêu, huyện, tỉnh tặng nhiều giấy, bằng khen vì đã có thành tích suất sắc trong các phong trào giữ trật tự, bình yên trong thôn xóm, xóa bỏ các tệ nạn cầm đồ thuốc độc, đạo tin lành.
Mai Hạ