Tấm lòng nhân ái của một Việt kiều Pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là Việt kiều Pháp, xa quê hương đã hơn 40 năm nhưng ông Lê Xuân Bính (SN 1944, quê gốc ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn luôn hướng về quê hương với tất cả tấm lòng. Với ông, được tham gia các hoạt động từ thiện, chia sẻ những khó khăn với những mảnh đời còn bất hạnh trong cuộc sống chính “sợi dây” tinh thần gắn kết ông với quê hương.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với ông Lê Xuân Bính trong lần ông về  Gia Lai cùng đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt TP. Hồ Chí Minh để tổ chức chương trình phẫu thuật dị tật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em nghèo. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông chính là sự thân thiện, cởi mở và hết sức từ tốn, chứ không tỏ vẻ khoe khoang với cái mác Việt kiều. Càng nghe ông nói chuyện, chúng tôi càng bị cuốn hút bởi dù đã xa đất nước hơn 40 năm, nhưng ông vẫn nói tiếng mẹ đẻ khá rõ ràng và hiểu biết rất nhiều về phong tục, tập quán của quê hương.

 

Bác sĩ Bính (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: P.L

Chia sẻ về những khó khăn khi mới đặt chân đến Pháp, ông nói: “Năm 1970, lúc đó tôi chỉ là một thanh niên 26 tuổi mới hoàn thành chương trình Trung học phổ thông, rời quê hương đến Pháp du học. Môi trường sống mới, rào cản về ngôn ngữ, vừa học vừa làm để trang trải mọi chi phí sinh hoạt rất vất vả, nhưng tôi không hề cảm thấy chán nản mà xem đó là động lực để phấn đấu học tập, trau dồi thêm nhiều kỹ năng sống. 5 năm sau, tôi tốt nghiệp ngành Dược sĩ với tấm bằng loại ưu”.

Với sự kiên trì, lòng quyết tâm thay đổi cuộc đời, chỉ sau một thời gian ngắn, ông Bính đã mở được một cửa hàng dược khá quy mô tại Pháp. Khó khăn, áp lực cạnh tranh, rào cản về văn hóa chính là những trở ngại ban đầu trên con đường khởi nghiệp của ông. Ông Bính chia sẻ: “Làm nghề gì cũng phải có thất bại rồi mới có thành công. Tôi cũng nhận ra rằng, sự chăm chỉ sẽ quyết định sự thành bại của mình trong tương lai. Vì vậy, chỉ cần bản thân biết phấn đấu thì mọi việc sẽ được giải quyết”.

Thành công và có chỗ đứng vững vàng tại Pháp, nhưng ông vẫn luôn một lòng hướng về quê hương. Sau nhiều lần về thăm quê, ông được chứng kiến nhiều mảnh đời còn khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Câu hỏi “phải làm gì để giúp đỡ được mọi người” khiến ông luôn trăn trở. Trở về Pháp, ông đã tập hợp những Việt kiều cùng chung tấm lòng chia sẻ yêu thương thành lập Hội từ thiện “Hy vọng cho trẻ em Việt Nam” và ông được bầu làm Chủ tịch Hội. Để có nguồn quỹ và kinh phí hoạt động, các thành viên của Hội đã dành thời gian đi quyên góp, tổ chức các buổi đấu giá từ thiện. Đồng thời, ông cũng thường xuyên nắm bắt, tìm hiểu những hoàn cảnh, mảnh đời còn khó khăn ở Việt Nam thông qua chương trình truyền hình và hỏi thăm người thân để giúp đỡ kịp thời. Đến nay, Hội từ thiện “Hy vọng cho trẻ em Việt Nam” đã thành lập được gần 20 năm, duy trì hoạt động thiện nguyện thường xuyên, đã có hàng ngàn suất quà được chuyển tới những gia đình khó khăn, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số. Những hoạt động từ thiện của Hội đã được các cấp, các ngành đánh giá cao như: mở lớp dạy sửa chữa xe gắn máy cho trẻ em nghèo ở TP. Hồ Chí Minh;  hỗ trợ học bổng thường xuyên cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi; mở lớp đào tạo may mặc cho các em khuyết tật; tặng áo quần, sách vở cho trẻ em vùng sâu, vùng xa…

Gần đây nhất là chương trình phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự giúp sức của đội ngũ y-bác sĩ Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt TP. Hồ Chí Minh, 11 em đã được phẫu thuật miễn phí, giúp các em có được nụ cười hồn nhiên, trong sáng và tự tin hơn trong cuộc sống. Em Rmah Phú (làng Cam, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) là một trong những trẻ đã may mắn tìm lại được nụ cười, giọng nói sau 6 năm bị dị tật hở hàm ếch bẩm sinh. Anh Rmah Hoan-bố của em chia sẻ: “Gia đình mình nghèo nên không có tiền phẫu thuật cho con. Nay được các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí, chú Bính còn cho tiền mua sữa, con mình được khỏe mạnh hơn. Mình biết ơn lắm”.

Hiện tại, dù tuổi đã cao, nhưng ông Bính vẫn luôn dành tâm huyết cho các hoạt động từ thiện. Hàng năm, ông vẫn cùng các thành viên trong Hội từ thiện trở về Việt Nam, tự tay đem những món quà tự mình quyên góp tới những hoàn cảnh khó khăn với hy vọng góp một phần nhỏ giúp đỡ họ vững tin hơn trong cuộc sống. Những món quà của những tấm lòng Việt kiều xa quê không đơn thuần chỉ là vật chất mà còn là “sợi dây” tinh thần gắn kết tình cảm của họ với Tổ quốc. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Bính vui vẻ cho biết: “Qua mỗi chuyến từ thiện, chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống và hoàn cảnh của người dân ở quê hương. Những món quà của chúng tôi tuy nhỏ nhưng nhìn thấy ánh mắt vui mừng của họ khi được nhận quà, chúng tôi rất hạnh phúc bởi dù ở đâu, chúng tôi vẫn là người Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ người dân ở các vùng sâu, vùng xa, chia sẻ phần nào những khó khăn trong cuộc sống”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm