Thời sự - Bình luận

Tầm nhìn cao tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân Bộ Giao thông Vận tải dự tính khởi công đồng loạt 4 dự án đường cao tốc, đường vành đai vào ngày 18-6-2023, tôi chợt liên hệ tới một chuyện khá liên quan.

Đầu năm 2005, tôi có căn nhà đầu tiên ở phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM. Khi ấy, cầu Kênh Tẻ nối quận 4 với quận 7 vừa khánh thành, trông hiện đại, đẹp. Cầu dài gần 800 m, ngang 15,1 m nhưng thấy rộng vì lưu lượng xe qua lại lúc bấy giờ khá vắng. Mỗi ngày tôi đều lại qua cầu Kênh Tẻ, lòng phơi phới nhưng chỉ 5 năm sau thì hoảng vì kẹt xe thường xuyên trên cầu và hai đầu cầu. Tình trạng ấy kéo dài rất nhiều năm, càng ngày càng bức bí. Nhiều người đi làm về mệt phờ, qua cầu bị kẹt xe kéo dài nên stress, chịu không nổi bèn bán nhà. Tôi cũng thế!

Giữa cuối năm 2018 - tức chưa đầy 15 năm sau, ngành công chánh TP HCM mở rộng mặt cầu từ 15,1 m lên 16,5 m, hết 90 tỉ đồng. Rộng thêm chỉ 1,4 m thôi mà tốn kém như thế, trong khi khó mà giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông một cách căn cơ và lâu dài. Vài năm nữa thôi, tình trạng cũ sẽ lặp lại. Cầu Rạch Miễu rộng 15 m, nối Bến Tre và Tiền Giang, sử dụng từ năm 2009, cũng sớm lâm vào cảnh tương tự.

Mượn trường hợp trên để đề cập chủ đề chính là tầm nhìn trong quy hoạch và thiết kế đường cao tốc, nhất là khi các dự án từ Bắc vào Nam ngày càng nhiều. Đường cao tốc Trung Lương - TP HCM để lại bài học đắng thế nào, ai cũng đã thấy. Tuyến này dài 62 km, khánh thành năm 2010, khi ấy người dân mừng rơn mà đâu để ý sao chỉ có 4 làn xe? Vài năm sau, khi lưu lượng xe tăng cao thì hàng loạt vấn đề xuất hiện: mặt đường xuống cấp, tai nạn liên miên, và… ùn tắc. Được phép chạy 100 km/giờ mà lắm khi cánh tài xế khóc ròng vì tốc độ rùa bò. Bây giờ thì đang tính phương án mở rộng thành 10 làn xe, chắc chắn sẽ tốn kém vô cùng.

Nhìn vào đó để biết lo cho các tuyến cao tốc khác: Trung Lương - Mỹ Thuận 51 km, chỉ 4 làn xe, quá ít đoạn có làn dừng khẩn cấp; Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km, cũng 4 làn xe; Nha Trang - Cam Lâm 49 km, 4 làn xe… Đường hẹp mà thiếu làn dừng khẩn cấp thì tốc độ tối đa 80 km/giờ hay 100 km/giờ, 120 km/giờ… cũng không nhiều ý nghĩa. Ít năm tới, những tuyến này khó mà tránh được vết xe đổ của đường cao tốc Trung Lương - TP HCM.

Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2030, cả nước có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021); đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Nhìn vào những con số tổng thể kể trên thì cảm thấy phấn khởi, nhất là khi đang chuẩn bị khởi công thêm dự án Vành đai 3 TP HCM và 3 dự án cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thế nhưng, nỗi lo về tầm nhìn vẫn hiển hiện khi "thấm đòn" những bài học nhãn tiền cụ thể.

Ông bà ta nói "Ba lần sửa nhà tốn hơn một lần làm nhà". Đã là cao tốc, phải có tầm nhìn trăm năm.

Có thể bạn quan tâm