(GLO)- Với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và tấm lòng yêu trẻ, các cô giáo Mầm non đã tỉ mẩn biến những vật liệu sẵn có trong thiên nhiên, thậm chí là phế liệu để tạo ra những đồ dùng, đồ chơi giúp học trò thỏa sức khám phá thế giới.
Góp phần bảo vệ môi trường
Tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực làm đồ chơi, đồ dùng dạy học cho trẻ Mầm non” do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây, đề bài dành cho các cô giáo là biến những phế liệu thành sản phẩm hữu ích. Với 3 chủ đề gồm: thế giới động vật, đồ dùng gia đình, thế giới thực vật, các cô giáo đến từ Phòng GD-ĐT huyện Kbang đã cùng nhau tạo ra rất nhiều đồ chơi, đồ dùng dạy học cho trẻ bằng sọ dừa, mo cau, xơ mướp, vỏ sò... “Tôi không thể nghĩ là các cô ấy có thể dùng xơ mướp nhiều kích cỡ để tạo ra một gia đình cá lóc giống như thật hay gia đình rùa đẹp mắt làm từ sọ dừa. Bộ đồ chơi này sẽ rất hữu ích trong việc giáo dục cho các bé về tình cảm gia đình, dạy bé phân biệt kích thước lớn-nhỏ, dạy đếm số lượng”-cô Hoàng Thị Hải Ngà (Trường Mẫu giáo Ayun, huyện Mang Yang) nói.
Giáo viên Mầm non trên địa bàn tỉnh đã tận dụng phế phẩm để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt. Ảnh: N.G |
Với mục đích hạn chế tối đa việc mua vật liệu để làm đồ dùng dạy học, các cô giáo Mầm non được hướng dẫn toàn bộ quy trình biến phế phẩm thành sản phẩm. Cô Nguyễn Thị An-giáo viên hướng dẫn-cho biết: “Chúng tôi muốn giúp các cô nhìn đâu cũng ra vật liệu để làm đồ dùng dạy học. Ví dụ, nhìn một cây thông ta có thể nghĩ đến việc tạo ra mô hình nhà rông từ lá thông, vỏ và cành thông. Ra chợ nhìn thấy những ly nhựa, vỏ xốp, hộp giấy sau khi sử dụng bị vứt bỏ thì có thể nghĩ ra một bộ đồ chơi giúp trẻ nhận biết đồ dùng gia đình. Làm đồ dùng dạy học bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy học phù hợp bối cảnh địa phương”. Bên cạnh tiết kiệm chi phí, việc biến phế phẩm thành sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục trẻ gìn giữ môi trường sống.
Mang lợi ích đến trường vùng khó
Với các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chi phí mua đồ dùng học tập rất hạn chế bởi công tác xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn. “Để học trò của mình không bị thua thiệt quá nhiều so với học trò vùng thuận lợi, chúng tôi phải tự mày mò làm ra đồ chơi, đồ dùng tự chế. Những buổi tập huấn, học tập các trường bạn như thế này giúp chúng tôi củng cố thêm nhiều kiến thức, kỹ năng làm mô hình đồ dùng dạy học cần thiết”-cô Nguyễn Thị Phượng (Trường Mẫu giáo Chư Gu, huyện Krông Pa) bày tỏ.
Nhà rông làm bằng vỏ, lá thông, bộ bàn ghế được uốn nắn từ những sợi thép, chiếc bếp gas được tạo nên từ hộp giấy, củ hành, tỏi bằng vỏ bắp, đàn chuồn chuồn nhiều màu sắc bằng ni lông, gia đình cá lóc bằng xơ mướp, đàn rùa bằng sọ dừa, tôm cua bằng mo cau... tất cả được kết tinh từ óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, sự tỉ mỉ và tâm huyết với nghề của các cô giáo Mầm non. Dùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tận dụng phế phẩm để tạo ra đồ dùng học tập là một trong những giải pháp hữu hiệu cho các trường vùng khó giải quyết khâu thiếu đồ dùng dạy học. Không những thế, việc vừa học vừa chơi với những vật liệu quen thuộc khiến trẻ thích thú bởi sự gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.
Trao đổi thêm về công tác trang bị kỹ năng làm đồ dùng học tập bằng phế liệu, bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết: “Nhìn thấy những khó khăn của các trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trang bị đồ dùng dạy học, chúng tôi đã ưu tiên cho những đơn vị đó được giao lưu, học hỏi để tăng cường thêm kỹ năng tự tạo đồ dùng học tập trong dịp hè. Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo các trường tổ chức cuộc thi làm đồ dùng, đồ chơi để tạo ra những kho đồ dùng học tập lớn, nhiều chủ đề giúp trẻ khám phá thế giới, phát triển tư duy, nhận biết sự vật đầy đủ nhất”.
Nguyễn Giang