Tản mạn chuyện kết nạp Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
1. Những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước, chuyện rèn luyện phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng là điều gần như mục tiêu chung của đa số lớp trẻ trong đơn vị chúng tôi. Cho dù ở cương vị nào, chiến đấu, công tác ở phía trước, đối mặt với kẻ thù, hy sinh, mất mát là chuyện có thể; hay ở phía sau, vùng hậu cứ, đối mặt với gian khổ, bệnh tật… cũng vậy, ít có người chùn bước, đầu hàng với sự hy sinh gian khổ.
Bây giờ, có người cho rằng phấn đấu vào Đảng ngày ấy dễ hơn ngày nay, chỉ biết “tiến lên” là đủ điều kiện rồi. Xin thưa, không phải chỉ có thế, sự dũng cảm, đi đầu trong bất cứ nhiệm vụ nào và hoàn thành xuất sắc nó, cho dù biết công việc ấy có thể đổi lấy bằng chính tính mạng của mình- đấy chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Đảng viên còn phải là người gương mẫu rèn luyện học tập, nâng cao nhận thức về mọi mặt, có lối sống phù hợp với điều kiện cơ quan đơn vị, biết thương yêu, đùm bọc, sẻ chia với đồng đội, đồng chí.
Lớp bồi dưỡng đảng viên mới.
Bao câu chuyện cảm động trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí thời ấy còn lưu truyền cho đến ngày nay mà nhiều người đã biết đến là minh chứng vô cùng sinh động. Mặt khác, những người đứng đầu tổ chức cơ sở đảng, đứng đầu cơ quan đơn vị phải luôn là những người biết quan tâm theo dõi, xem xét về thái độ chính trị, lai lịch gia đình, thường xuyên đào tạo, giáo dục, động viên, giao nhiệm vụ để rèn luyện thử thách những người trẻ tuổi dần trưởng thành để rồi kết nạp họ vào Đảng, coi việc kết nạp lớp trẻ vào Đảng là công việc thường xuyên, liên tục… Và chính vì vậy mà trong chiến đấu, công tác ở môi trường vô cùng khó khăn, ác liệt nhưng hầu hết chúng tôi đều vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc.
2. Thời bây giờ phấn đấu vào Đảng khó hay dễ? Chẳng thể so sánh được chuyện khó, dễ trong việc này. Mỗi thời kỳ cách mạng có những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau nhưng mục tiêu lý tưởng của Đảng thì chỉ có một- điều ấy trong Điều lệ Đảng đã nói quá rõ. Cho nên, chuyện phấn đấu vào Đảng ngày nay khó hay dễ còn tùy thuộc vào người xin được gia nhập và người có chức trách liên quan đến công việc kết nạp người vào Đảng. Cả hai cùng hướng đến một điểm tích cực thì câu hỏi dễ hay khó trong việc phấn đấu vào Đảng ngày nay coi như đã có câu trả lời! Tiếc thay đâu đó, hai “người” này lại không gặp nhau.
Không phải ít người muốn vào Đảng để được đề bạt, cất nhắt làm ông này, bà nọ, tìm cơ hội đem cái lợi về cho mình và cũng không ít kẻ có chức phận tìm cách làm khó người thật sự phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ Đảng. Ở đâu mà hai “người” này không cùng một hướng đi, hậu quả của nó rất dễ nhận ra. Có những cơ quan, đoàn thể, địa phương hàng chục năm liên tục không kết nạp ai vào tổ chức Đảng. Có những nơi kết nạp tràn lan, xem nhẹ những tiêu chuẩn tối cần thiết của đảng viên, miễn ai đó dễ bảo, dễ sai khiến, hay tâng bốc sếp, nịnh bợ, luồn lách… là “đủ tiêu chuẩn”, còn với người cương trực, trong sáng, hay đấu tranh cho cái đúng, cho lẽ phải… thì tìm cách trù úm, chèn ép, coi họ là người “không đủ tiêu chuẩn”? Bởi vậy, có những tổ chức cơ sở đảng đông nhưng không mạnh, nội bộ mất đoàn kết, chia bè, lập phái, đấu đá, “rình rập” nhau để có cơ hội là lật nhau hoặc thực hiện sách “mackeno”, chỉ lo phận mình, thiếu đấu tranh xây dựng, năm nào cũng đạt đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng hiệu quả làm việc, công tác thì chẳng ra gì, thậm chí “ngồi chơi xơi nước”.
Không ít người có chút công lao, bằng cấp thì dựa vào đó mà “sống”, không chịu học tập, rèn luyện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ lụi tàn, yếu kém, cái mới không được cập nhật, cái cũ, lỗi thời không được rũ bỏ để rồi bị quần chúng xem thường, thậm chí khinh bỉ. Tiếc thay trong số đó không phải không có những người đang đứng ở vị trí “cầm cương” hay “nảy mực” trong cơ quan, đơn vị. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, giảm lòng tin của mọi người vào tổ chức Đảng. Cũng không ít nơi “già hóa” tổ chức, nhìn vào chi bộ toàn những ông, những cụ, cũng bởi công tác phát triển đảng yếu kém, nhất là các chi bộ khu dân cư, chi bộ cơ quan hành chính… tất nhiên ở đấy thường là những nơi khó tạo nguồn nhưng chưa hẳn không thể tạo được nguồn. Thường tâm lý người có tuổi xem người dưới mình là… quá trẻ, là non nớt, là chưa chín chắn, (họ quên khi họ còn ở lứa tuổi ấy?). Đấy là nói khách quan, ai biết được một “tâm lý” khác- tâm lý sợ mất ghế, sợ đưa người trẻ, người giỏi vào tổ chức Đảng… họ sẽ thay mình. Ông bà ta có câu “Tre già măng mọc”, nhưng… tre không-chịu-già thì chỗ đâu cho măng mọc?
Hy vọng với việc tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, cùng với những việc làm thiết thực nhằm trong sạch hóa tổ chức Đảng thì những điều chưa hoàn thiện nói trên trong công tác phát triển đảng viên mới cũng sẽ được khắc phục, để cho tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, lòng tin của người dân vào Đảng ngày càng được giữ vững và nâng cao!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm