Phóng sự - Ký sự

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 2: Tận diệt pơmu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có lẽ cơn sốt pơmu đã lên đến đỉnh điểm. Không chỉ cây non có đường kính dưới 20cm bị đốn hạ mà cả gốc, rễ pơmu cổ thụ cũng đang bị đào bới.

Hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại những cánh rừng đầu nguồn thuộc địa phận xã Bản Mù, xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) và xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên (Sơn La) là cảnh "lâm tặc" lén lút vào rừng phòng hộ đầu nguồn cưa hạ, đào bới tận diệt pơmu.

 
Một cây pơmu non bị đốn hạ.
Một cây pơmu non bị đốn hạ.

Tận thu cả gốc pơmu

Chúng tôi quyết định chọn địa phận xã Bản Mù - điểm nóng về buôn bán pơmu ở miền Bắc - để vào rừng sâu. Sau nhiều ngày thuyết phục, ông L.V.S. (45 tuổi, người Mông, ở xã Bản Mù) đồng ý đưa tôi tiếp cận những vị trí pơmu bị cưa trộm.

Ông S. nói trước đây từng là "lâm tặc", nhưng gần 10 năm nay đã bỏ nghề và quay về bản trồng táo mèo, quế, lúa, ngô mưu sinh.

Sau gần nửa ngày đi bộ trong rừng già, chúng tôi tiếp cận những cây pơmu vừa bị "xẻ thịt". Pơmu rất dễ nhận dạng do có nhựa dầu đặc biệt, cách xa cả trăm mét cũng nghe mùi thơm nồng của loài cây này.

Men theo bờ suối tiến sâu vào rừng già thấy la liệt gốc cây pơmu bị đào bới. Những rễ lớn bị chặt tung, đất đá lở lói. Cạnh đó, những táu, sến, cây gỗ tạp cũng bị đốn hạ không thương tiếc, phần thân bị lấy đi, còn ngọn cành ngổn ngang bên bờ suối.

Hai bên bờ suối ngày cạn nước cũng là nơi "lâm tặc" tập kết gỗ đã xẻ chất thành từng đống.

Theo một "lâm tặc", đợi có mưa, nước suối lớn sẽ thả gỗ trôi ra ngoài bìa rừng. "Lâm tặc" còn dựng cả lều bạt và bếp để nấu ăn ở đây như một công trường.

 

Pơmu được xẻ thành hộp đưa đi tiêu thụ.
Pơmu được xẻ thành hộp đưa đi tiêu thụ.

"Là loài gỗ quý nên pơmu đang được mua theo cân, giá bán tại xã Bản Mù, Xà Hồ dao động 1.500 - 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu lấy được thân cây xẻ thành từng hộp giá sẽ rất cao. Mỗi người đi xẻ pơmu ngày cũng kiếm được 400.000 - 500.000 đồng" - "lâm tặc" tên Xính cho biết.

"Lâm tặc" tên T.M.L. (35 tuổi, ở xã Xà Hồ) thản nhiên nói: "Trước đây có nhiều cây lớn thì vào rừng chọn cây nào cạnh suối dễ vận chuyển mới cưa. Nhưng nay cây lớn vài người ôm đã không còn nữa nên gốc cũng sẽ được đào lên. Nếu gặp cây con cũng chặt luôn...".

Từ địa phận huyện Trạm Tấu tiếp tục đi theo đường mòn ngập bụi dại giữa rừng là giáp ranh xã Xím Vàng, chúng tôi phát hiện thêm nhiều điểm tập kết gỗ và cây pơmu con vừa bị chặt hạ còn nồng mùi dầu nhựa thơm.

Để che mắt cơ quan chức năng (dù rất qua loa chiếu lệ), "lâm tặc" sẽ cất giữ gỗ pơmu được khai thác cạnh bìa rừng và khi trời tối, gỗ mới được vận chuyển một ít bằng xe máy đưa đến điểm thu mua giao bán.

Theo thống kê của UBND xã Bản Mù, diện tích rừng tự nhiên của xã năm 2017 là 4.630,8ha. Bản Mù là một trong những xã nghèo nhất của huyện vùng cao Trạm Tấu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, năm 2016 tỉ lệ nghèo ở mức 77,79%.

Ông Sùng A Lù - chủ tịch UBND xã Bản Mù - phủ nhận: "Từ đầu năm đến nay trên địa bàn không có tình trạng buôn bán gỗ pơmu vì pơmu có còn đâu mà chặt?".

Những "ông trùm gỗ" là ai?

Pơmu bị tận diệt dã man và ai đang tiếp tay cho phá rừng đầu nguồn đã thôi thúc chúng tôi tiếp cận những "ông trùm" có máu mặt ở đất Yên Bái. Quá trình tìm hiểu cho thấy để trở thành "ông trùm pơmu" không phải ai cũng làm được.

 

Một đoạn pơmu vừa bị cưa còn nồng mùi thơm.
Một đoạn pơmu vừa bị cưa còn nồng mùi thơm.

Làm nghề này yêu cầu "ông trùm" phải quen biết rất rộng. Để tiện việc làm ăn, "trùm gỗ" thường phân chia lãnh địa rất rõ ràng để hoạt động.

Đông (ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) là "ông trùm" khét tiếng ở xã Bản Mù. Đông cho biết đã phải chi tiền cho rất nhiều người để mở xưởng mua và chế biến trái phép gỗ pơmu ở Bản Mù gần bốn năm nay.

Hiện nay, ngoài số gỗ đã xẻ thì ngay cạnh xưởng có đến hàng chục khối pơmu được đổ mùn cưa phủ lên ngụy trang.

Đông cho biết: "Trước làm ở Nghĩa Lộ, nhưng không có gỗ mới chuyển lên đây vì Bản Mù đang còn gỗ, vài năm nữa mới hết. Chỗ nào rừng còn gỗ thì mình đặt xưởng chỗ đó. Nhìn cái xưởng bé thế này nhưng không quen biết không làm được đâu. Chỉ có tôi mới dám đặt xưởng ở Bản Mù, vì trước đây đã có mấy ông loi nhoi làm rồi nhưng bị "đập" phải đóng cửa...".

Đông nói: "Đang mưa lũ, người đi rừng chưa nhiều nên mua được ít gỗ, chứ lúc thuận lợi ngày làm được 1,7 tấn hạt thành phẩm (từ 10 tấn gỗ thô), nhân công gần 30 người là bình thường. Thời điểm làm không hết việc là vào lúc vừa cấy xong, không có việc làm, dân đói nên rủ nhau vào rừng lấy gỗ".

Thúy, "trùm gỗ" khác, cũng có tiếng ăn nên làm ra nhờ buôn gỗ lậu ở thị trấn Trạm Tấu. Xưởng của Thúy đặt gần Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu và hằng ngày có trên 10 nhân công người dân tộc thiểu số làm việc tại đây.

 

 

Mỗi khi xưởng hoạt động, lúc nào cũng có ông T. hay đội mũ phớt đen thường trực hối thúc nhân công làm việc và ghi chép sổ sách khi có người đến nhận hàng, đồng thời làm nhiệm vụ canh gác.

Thúy giới thiệu: "Chỉ làm mỗi gỗ pơmu vì hương thơm và màu gỗ đẹp. Gỗ đã thành phẩm lấy bao nhiêu cũng có. Ở đất Yên Bái gặp chuyện gì về gỗ lạt cứ gọi tôi".

Thông qua nhiều "lâm tặc", chúng tôi tiếp cận "trùm" H. có xưởng gần chợ thị trấn huyện Trạm Tấu, có thâm niên mua bán gỗ pơmu lậu từ nhiều năm nay. Xưởng của H. chỉ chuyên mua, sản xuất pơmu.

Thời điểm chúng tôi thâm nhập, xưởng "trùm" H. có hàng tấn gỗ còn nguyên thớ và đã làm thành phẩm.

Đặc điểm chung của những "ông trùm" ngoài buôn bán gỗ lậu còn là tay chơi đồ gỗ đẳng cấp. Nhà riêng của "ông trùm" thường được trang trí, ốp tường rất nhiều loài gỗ quý, trong đó có pơmu, gụ, hương...

Quang Thế/tuoitre

Có thể bạn quan tâm