"Tàn nhưng không phế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trở về đời thường sau chiến tranh, đối mặt với không ít khó khăn nhưng ông Phạm Xuyên (thương binh hạng 4/4, trú tại thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, Gia Lai) luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế” để đóng góp sức mình cho xã hội.
Dù đã bước sang tuổi 78 nhưng ông Xuyên vẫn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu ác liệt tại mặt trận Tây Nguyên (B3). Năm 1965, cũng như bao người con của quê hương Hà Tiến (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), chàng trai Phạm Xuyên lên đường nhập ngũ. Sau khi tham gia huấn luyện ở Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), ông cùng đồng đội vào miền Nam chiến đấu. Có mặt tại chiến trường Tây Nguyên, ông được biên chế về đơn vị pháo binh thuộc mặt trận B3. Trong những ngày tháng Tây Nguyên rực lửa, ông cùng đồng đội chiến đấu tại chiến trường Gia Lai và Kon Tum với nhiều trận đánh lớn.
Thương binh Phạm Xuyên (bìa trái) kể về những ngày tháng ở chiến trường. Ảnh: T.T
 
Bà Bùi Thị Kim Thu-Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Hưng: “Ông Phạm Xuyên là công dân tiêu biểu của xã. Khi về hưu, ông Xuyên tiếp tục tham gia công tác tại địa phương suốt 17 năm ròng và có nhiều đóng góp. Giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Mỗi khi xã triển khai những chủ trương lớn cần tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, chúng tôi thường tìm đến nhờ ông giúp đỡ”.

Ông Xuyên cho biết: Tuy tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng bù lại, ông và đồng đội được nhân dân giúp đỡ rất nhiều. Năm 1969, khi ông và 8 đồng đội đang leo lên một đỉnh núi để làm công tác thông tin liên lạc định hướng cho pháo binh đánh Plei Kần (tỉnh Kon Tum) thì bất ngờ bị máy bay địch tập kích. Một đồng đội hy sinh, ông bị một vết thương ở đầu và một mảnh đạn giờ vẫn đang ở trong người. “Sau khi điều trị, năm 1973, tôi được cấp trên cử đi học lớp y sĩ, sau đó được cử về công tác tại Viện 2-Mặt trận B3. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, tôi được điều về công tác tại Phòng Y tế huyện, sau đó được điều động về làm Trưởng phòng Tổ chức-Tiền lương của Lâm trường Nam Phú Nhơn”-ông Xuyên nhớ lại.
Năm 1991, ông nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, dù mang trong mình những vết thương chiến tranh nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Suốt 10 năm, ông đảm nhận cương vị Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thăng Hưng. Những ngày tháng ấy, nhiều người dân ở đây đã quen với hình ảnh người thương binh có thân hình mảnh khảnh hàng ngày cần mẫn đến từng gia đình vận động hội viên cải tạo vườn tạp trồng cây công nghiệp. Rồi ông đi nhiều nơi để làm thủ tục giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế... Thời gian sau, ông Xuyên lại được chi bộ thôn 3 và thôn 4 tín nhiệm bầu làm Bí thư. Trong 7 năm làm Bí thư chi bộ thôn, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác Đảng tại địa bàn cư trú. Nói về việc làm của mình, ông Xuyên tâm sự: “Khi đã về hưu, tôi muốn nghỉ ngơi chăm sóc gia đình nhưng khi Đảng cần thì mình phải làm thôi. Giờ tuổi đã cao, tôi phải nghỉ để lớp trẻ có trình độ cao hơn phục vụ nhân dân. Tôi cũng luôn ủng hộ, giúp đỡ để các cháu làm tốt công việc được giao”.
Không chỉ vậy, thương binh Phạm Xuyên còn là tấm gương sáng trong việc nuôi dạy con cháu. Gia đình ông có 3 người con thì người thứ nhất đang làm cán bộ phục vụ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, người thứ 2 là cán bộ trong lực lượng Công an và người con út là cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Nói về cuộc sống hiện nay, ông Xuyên cho biết: “Bây giờ, tôi chỉ ở nhà chăm sóc cháu và trồng 1,2 ha cà phê để có thêm thu nhập. Vợ chồng tôi đều trải qua những năm tháng trên chiến trường nên thời gian còn lại bây giờ dành nuôi dạy con cháu thật tốt, để làm gương cho mọi người và con cháu noi theo”.
 THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm