Bộ Giao thông-Vận tải vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.
Trong thời gian vừa qua đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ TNGT nghiêm trọng như: Vụ TNGT xảy ra tại Km 126+900 Quốc lộ 6 đoạn qua đèo Thung Khe (xã Thung Khe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) vào ngày 14/3/2016; vụ TNGT tại Quốc lộ 4D huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào ngày 16/3/2016 giữa xe tải, xe khách và xe gắn máy làm chết và bị thương nhiều người.
Nguyên nhân gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng trên là do hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT của người lái xe, hạn chế trong công tác quản lý của chủ phương tiện, tình trạng khoán trắng cho lái xe về bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về ATGT, gây nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện và người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến TNGT.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến quốc lộ đặc biệt là các tuyến đường đèo dốc, đường có bán kính cong nhỏ, đường bị che khuất tầm nhìn để bảo đảm điều kiện tốt nhất về ATGT cho người tham gia giao thông. Khắc phục các bất cập về hạ tầng, huy động lực lượng để xử lý khắc phục ngay các công trình hạ tầng hư hỏng, xuống cấp nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Đồng thời đôn đốc Sở Giao thông vận tải các địa phương kiểm tra các điều kiện về kinh doanh vận tải, thiết bị giám sát hành trình, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, xe tải trên 10 tấn, xe công-ten-nơ, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vận chuyển các chất dễ cháy nổ, vận chuyển hàng nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông.
Kiểm tra đột xuất công tác kiểm định phương tiện
Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các Trung tâm Đăng kiểm phương tiện xe cơ giới thực hiện nghiêm quy trình kiểm định phương tiện; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật các phương tiện vận tải hàng hóa chất dễ cháy nổ, vận chuyển hàng nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Cục yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trong cả nước triển khai và kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới; tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với việc thực hiện công tác kiểm định phương tiện tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện xe cơ giới của các địa phương.
Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp tốt với chính quyền địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức giao thông, cảnh giới tại các cầu chung đường sắt và đường bộ, đường ngang không có người gác bảo đảm ATGT tại các vị trí giao giữa đường bộ và đường sắt.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông yêu cầu Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, không gây ùn tắc giao thông bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trên các công trình vừa thi công vừa khai thác.
Kiểm tra điều kiện kinh doanh GTVT
Thanh tra Bộ tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại các địa phương, trong đó tập trung vào các địa phương có nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, các doanh nghiệp hoặc chủ phương tiện có nhiều xe ô tô có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên, để xảy ra nhiều TNGT trong thời gian vừa qua; tăng cường kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý vận tải, tập trung vào công tác quản lý doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, xe tải, xe công-ten-nơ...
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các lực lượng Cảnh sát tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông như: nhà ga, bến tàu, bến xe, các điểm dừng đón trả khách trên đường nhằm bảo đảm các hành vi vi phạm đều được xử lý nghiêm; khắc phục ngay tình trạng ùn tắc giao thông tại các vị trí giao thông trọng điểm, các thành phố lớn...
Theo Chinhphu.vn