Tăng cường công tác phòng-chống bệnh bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai tại Công văn số 4927/UBND-VHXH ngày 4-11-2015. Công văn nêu rõ: Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên, do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium Diphtheriae gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Bệnh lây theo đường hô hấp và có thể gây dịch nếu không có biện pháp phòng-chống kịp thời. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em từ 1 đến 7 tuổi. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em khi mắc bệnh bạch hầu là rất cao.

Khám bệnh và tư vấn phòng-chống bệnh bạch hầu tại vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Lương Thanh

Trước tình hình bệnh bạch hầu đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nước bạn Lào, với hơn 500 ca mắc, trong đó có 11 ca tử vong, nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu là rất cao. Riêng tại Gia Lai từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp xác định được vi khuẩn bạch hầu, tập trung chủ yếu tại huyện Kbang, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại làng Klếch xã Krong…

Nhằm chủ động trong công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kiến thức về cách phòng-chống bệnh bạch hầu. Chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp viêm họng giả mạc nghi ngờ bệnh bạch hầu đến khám tại các cơ sở khám-chữa bệnh, hê thống y tế cơ sở tăng cường giám sát dịch tễ tại cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch; chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang-thiết bị, hóa chất, bố trí giường bệnh, chuẩn bị nhân lực phù hợp để sẵn sàng phòng-chống dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới tập huấn chẩn đoán, điều trị, theo dõi, đôn đốc và chi viện về nhân lực và trang-thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất cho các bệnh viện có nhiều bệnh nhân. Tổ chức triển khai tiêm chủng phòng-chống bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Kbang, không bỏ sót đối tượng.

Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm