Thời sự - Bình luận

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - dạy rằng: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tư tưởng xuyên suốt của Người về công tác cán bộ được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn ở mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng và đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng ta luôn quan tâm, coi trọng công tác cán bộ trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thật đáng buồn là vẫn có không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, vướng vòng lao lý. Vấn đề kiểm soát quyền lực cán bộ, vì vậy cần được đặc biệt chú trọng.

 

Hội nghị quán triệt Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền do Đảng ủy Công an thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 29/11/2019.
Hội nghị quán triệt Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền do Đảng ủy Công an thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 29/11/2019.





Cuối tháng 3/2022, Thanh tra Chính phủ có Báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2 (20/10/2021-13/11/2021), Quốc hội khóa XV (2021-2026). Báo cáo cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đây mới chỉ là những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có liên quan đến tham nhũng.

Thời gian qua, những thông tin về việc kỷ luật cán bộ sai phạm là không phải cá biệt, hiếm thấy, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Đơn cử như ngày 15/3/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Phan Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Đại tá Nguyễn Thế Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Đồng chí Phan Mạnh Cường bị kỷ luật do đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và Quy chế làm việc; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản, đất đai. Đồng chí Nguyễn Thế Anh bị kỷ luật do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng tài chính, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, buôn lậu và gian lận thương mại.

Những con số thống kê mà Thanh tra Chính phủ công bố, thông tin 2 đồng chí lãnh đạo bị kỷ luật nêu trên chỉ là những sự việc gần đây có liên quan đến công tác cán bộ, nhưng cùng với các sự việc tương tự xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của Đảng, gây hậu quả rất nghiêm trọng đến xã hội: làm thiệt hại tài sản của Nhà nước; làm xói mòn, phai nhạt niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Không thể tiếp tục để lọt vào hàng ngũ những “con sâu”, những “mầm bệnh” có thể gây ung nhọt, bệnh tật tàn phá “cơ thể Đảng”, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cần thiết phải được coi trọng hơn, phải luôn được xem là công việc hệ trọng, cấp bách, được thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

Thực tế, việc kiểm soát quyền lực là vấn đề khá mới ở nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nội dung này. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Điều 2 của Quy định giải thích: “1. Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. 2. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Mới nhất, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”; “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”…

Có thể thấy rằng, chúng ta đã có khái niệm rất rõ ràng, cả về nội hàm cũng như phạm vi giới hạn vấn đề quyền lực trong công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cùng những nghị quyết, quy định, hướng dẫn rất cụ thể về việc kiểm soát quyền lực. Vậy mà chỉ sau chưa đầy 10 năm triển khai thi hành việc kiểm soát quyền lực, vẫn có không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau.

Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp suốt hơn 2 năm qua, vẫn có những cán bộ vô cảm đang tâm ăn tiền trên nỗi thống khổ của nhân dân, của đồng bào mình; từ việc nâng giá thiết bị y tế, cấu kết “thổi giá” kit test xét nghiệm Covid-19 đến những chuyến bay “giải cứu công dân”; tiêu cực nảy sinh cả trong những ngành nghề cao quý được coi trọng trong xã hội như giáo dục, y tế đến những ngành nghề dễ tiêu cực như khi cán bộ được trao quyền để thực thi pháp luật, hay tại chính cơ quan pháp luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần sử dụng hình ảnh nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật. Điều ấy thể hiện việc coi trọng quá trình từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đồng thời khẳng định việc kiểm soát quyền lực bằng cơ chế và việc tổ chức thực hiện cơ chế ấy. Bởi khi đã có cơ chế kiểm soát quyền lực, nhưng việc thực hiện không được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, công tâm, công bằng, thiếu sự giám sát thì chắc chắn sẽ nảy sinh những hậu quả đáng tiếc.

Không ít cán bộ bị thao túng, tha hóa, biến chất. Thực tế không ít vụ việc tai tiếng liên quan đến công tác cán bộ, đến từng cán bộ cụ thể cho thấy rõ rằng, một khi cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí quyền lực, được trao quyền lớn mà không “thượng tôn pháp luật”, không tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị, không chịu sự kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên bằng cơ chế, luật pháp thì rất dễ nảy sinh sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực, tha hóa, biến chất dẫn tới vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, hình thành “nhóm lợi ích”, bè phái đục khoét của công…

Có thể thấy những vi phạm của một số cá nhân, tập thể đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc kỷ luật cán bộ là không ai muốn, nhưng không thể không làm, để giữ nghiêm phép nước, để “thượng tôn pháp luật”, để răn đe những cán bộ nhăm nhe, tiềm ẩn những mưu đồ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp tất cả, sẵn sàng “nhúng chàm”.

Qua nghiên cứu, xem xét một số trường hợp, vụ việc liên quan đến vi phạm về thực hiện quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ có thể thấy các quy định về quyền và thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ có lúc, có nơi chưa được thực hiện đầy đủ, đúng đắn. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, thể chế và thực thi cơ chế, thể chế, chính sách về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đôi khi còn chưa khả thi, chưa phù hợp thực tiễn, trong khi việc kiểm soát quyền lực chưa được tiến hành một cách kịp thời, sát sao, nghiêm minh.

Mặt khác, việc kiểm soát quyền lực ở nơi này, nơi khác còn chưa được thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, quyết tâm, rõ ràng, từ việc tự kiểm soát quyền lực đối với từng chủ thể, kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể, việc kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện đúng, thường xuyên, nghiêm túc. Trong khi đó, những sai phạm của cá nhân, tổ chức còn chưa được xử lý, kỷ luật nghiêm minh. Do vậy, vẫn diễn ra tình trạng quy trình đúng, bổ nhiệm sai cán bộ, thể hiện qua các hiện tượng, sự việc cụ thể, như: Bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu, chuyển công tác; tự ý bổ nhiệm, điều động cán bộ; bổ nhiệm người thân, cánh hẩu, người biết “chạy”, đút lót; bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện… Rõ ràng, việc xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực… vẫn là vấn đề cấp bách, hệ trọng đối với sự sống còn của Đảng, sự phát triển vững bền của đất nước.

Xin được nhắc lại là, dù việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ luôn được quan tâm, ngày một hoàn thiện, nhưng vẫn khó tránh khỏi những sai sót trong công tác cán bộ. Ấy là do quy trình đúng, nhưng bổ nhiệm sai; là do có sự thao túng, lạm quyền, lợi dụng cơ chế, chính sách, các quy định trong công tác cán bộ. Điều này đòi hỏi việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ luôn phải được đề cao, xem trọng. Một khi việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chưa thể chặt chẽ, hoàn thiện, vẫn còn những người cố tình bằng mọi cách để “bôi trơn”, lo lót, chạy chọt… thì vai trò của người đứng đầu với sự công tâm, liêm chính, vì tập thể sẽ là rất quan trọng, mang yếu tố quyết định đến sự thành bại đối với “công việc gốc của Đảng”.

https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/tang-cuong-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-692806/

TS NGUYỄN TRI THỨC
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm