Tăng cường phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều cố gắng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy vậy, công tác này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều người vẫn còn thiếu kiến thức pháp luật, còn xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật. Thực trạng này đòi hỏi trong thời gian tới phải tăng cường công tác PBGDPL, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”-ông Dương Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Tư pháp-cho biết.
Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T
Thực hiện Luật PBGDPL, Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4155 ngày 30-10-2017 về đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS giai đoạn 2017- 2021 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai các hoạt động như: phổ biến pháp luật trực tiếp; biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật; thi tìm hiểu pháp luật; trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở; giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, thi hành án... Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức hơn 50 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức-người lao động, người làm công tác PBGDPL. Sở Tư pháp tổ chức biên soạn và phát hành 314.904 tài liệu các loại, trong đó có 25.892 cuốn Sổ tay PBGDPL dành cho người DTTS, 4.200 cuốn Sổ tay phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, 14.120 tờ gấp “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là vi phạm pháp luật” biên dịch thành 3 thứ tiếng: Việt-Jrai-Bahnar. Các loại tài liệu PBGDPL nêu trên đã được cấp phát đến tận các thôn, làng, tổ dân phố.
Cùng với việc biên soạn và phát hành các tài liệu PBGDPL về lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, hộ tịch, bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực, chế độ và chính sách đối với người có công với cách mạng, người DTTS, người nghèo, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh còn thường xuyên phối hợp, lồng ghép thực hiện các chương trình PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền miệng cho các đối tượng. Tính từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý 2.707 vụ việc cho 2.701 người, trong đó có 2.143 người DTTS. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và tham gia tố tụng hàng ngàn vụ việc cho trẻ em, người nghèo, người DTTS... ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 71 ngày 24-2-2012 của UBND tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có hơn 1,4 triệu người, trong đó gần 45% là người DTTS. Đồng bào DTTS trong tỉnh có nhu cầu PBGDPL, trợ giúp pháp lý miễn phí trong nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, các cơ quan chức năng, nhất là Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đang tăng cường các giải pháp thiết thực, trong đó có việc thực hiện tốt Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý là trợ giúp pháp lý miễn phí cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam, người nhiễm HIV... Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết thêm: “Lãnh đạo Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tăng cường cán bộ, trợ giúp viên pháp luật xuống tận cơ sở để PBGDPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, quyền bình đẳng cho công dân”.
 HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm