Tháng 8-2023, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GD-ĐT lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.
Các ý kiến đều cho rằng, học phí năm học 2023-2024 cần phải được điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng GD-ĐT, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm. Đặc biệt, với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế.
Tại hội nghị về giáo dục đại học tổ chức tại TPHCM mới đây, nhiều trường đại học lại đề xuất được tăng học phí, bởi nếu không có đầu tư thích đáng, các trường không thể nâng cao chất lượng giáo dục, mà chỉ có cách mở rộng quy mô đào tạo, tuyển sinh, lấy nguồn thu học phí để hoạt động. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa được đầu tư tương xứng.
Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81. Bộ đề xuất giữ nguyên học phí bậc phổ thông nhưng tăng học phí bậc đại học trong năm học 2023-2024. Theo đề xuất này, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành (mức thu hiện nay là 980.000 - 1,43 triệu đồng). Với những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương 2,4-6,15 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, học phí đại học không thể không tăng, nhất là khi chúng ta hướng đến đào tạo nhân lực có chất lượng cao. Nếu học phí đại học công lập thấp, đào tạo tràn lan sẽ là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “cử nhân chạy xe ôm” do chất lượng đào tạo không bảo đảm. Cũng không thể để các trường đại học chỉ bằng cách mở rộng quy mô đào tạo, tuyển sinh, lấy nguồn thu học phí để hoạt động. Nhưng cùng với việc tăng học phí, chính sách tín dụng sinh viên phải làm tốt hơn để các em có điều kiện học và tự chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn học đại học. Do đó, tăng học phí và cho vay vốn học đại học phải bảo đảm tăng chất lượng đào tạo, không làm ảnh hưởng cơ hội học tập của sinh viên. Tăng học phí đi liền với cam kết tăng chất lượng, mà khâu giám sát, kiểm định giáo dục đại học phải được làm thực chất.