Thời sự - Bình luận

Tăng năng lực hấp thụ vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 21-9-2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,62 triệu tỷ đồng, tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5%-2%/năm, mặc dù lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương giảm lãi suất cho vay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lạm phát mặc dù đã có dấu hiệu chậm lại, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Cụ thể, lạm phát bình quân 9 tháng năm 2023 là 3,16%, thấp hơn mục tiêu 4,5%; song lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng 2023 đã tăng 4,49%. Từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro gia tăng lạm phát, do áp lực tăng giá các mặt hàng nhà nước quản lý (điện, nước, y tế, giáo dục) theo lộ trình. Lương cơ bản tăng (kể từ 1-7) sau 3 năm bị hoãn cũng làm tăng tổng cầu thông qua chi tiêu và đầu tư của hộ gia đình.

Cùng đó, diễn biến xung đột chính trị - quân sự tại một số quốc gia, khu vực gia tăng trở lại, có thể tác động làm tăng giá các mặt hàng năng lượng (xăng dầu, chất đốt) và nguyên vật liệu khác. Giá lương thực, thực phẩm cũng tiềm ẩn rủi ro tăng do diễn biến thời tiết, dịch bệnh khó lường, cùng với nhu cầu trong nước và Trung Quốc tăng, trong khi giá các yếu tố đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi…) vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước không hẳn là do lãi suất cao, mà có phần là do trong những năm gần đây các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu, dẫn đến tồn ngân quỹ nhà nước (là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu… nhưng chưa được giải ngân) hiện đang ở mức cao, chiếm 6,94% tổng phương tiện thanh toán. Đây là mức cao hơn đáng kể so với 2 năm trước; từ đó làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế, gây khó khăn cho việc huy động vốn của cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay, do không thể hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế không cao, cầu tín dụng giảm.

Có thể thấy, các giải pháp của ngành ngân hàng đã và đang triển khai như giảm lãi suất điều hành, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới… là rất cần, nhưng chưa đủ.

Để thực sự cải thiện thị trường tín dụng, từ đó tạo hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nữa. Đó là kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường vốn, trong đó có việc ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, cần xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, từ đó nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể bạn quan tâm