Thời sự - Bình luận

Tăng sức đề kháng trước những tin đồn vô căn cứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù đã có cảnh báo từ cơ quan chức năng, báo chí chính thống nhưng một số người dân hiện vẫn bị dẫn dắt, nghe theo những thông tin vô căn cứ, sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội để rồi gánh chịu những hậu quả khó lường, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ðể ngăn chặn, loại bỏ tin đồn thất thiệt đòi hỏi cần có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của nhiều ban, ngành, tổ chức ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân cũng như cả xã hội, cộng đồng.
 

 Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) làm việc với đối tượng có hành vi tung tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội Facebook.
Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) làm việc với đối tượng có hành vi tung tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội Facebook.


Nhiều người vẫn nhớ thời điểm những năm 2016, 2017 trên mạng xã hội rộ lên hàng loạt tin đồn vô căn cứ về các vụ bắt cóc trẻ con xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Trên trang facebook của một số tài khoản có địa chỉ không rõ ràng thường xuyên đăng tải những câu chuyện có nội dung ly kỳ, rùng rợn liên quan đến các vụ bắt cóc trẻ em như: thủ phạm dùng phép thôi miên, hoặc thuốc mê để khống chế nạn nhân, hay việc có một "đội quân" chuyên đi bắt cóc trẻ em để "kinh doanh nội tạng"… khiến không ít người vội vã tin theo.

Tiêu biểu như ngày 8/1/2016, trên trang facebook của người lấy tên là "Tùng Lò Gạch" đăng tải thông tin về vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực Trường mầm non 19-5, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, thì chỉ trong thời gian ngắn thông tin này đã có gần 3.000 lượt chia sẻ. Từ đây, các câu chuyện chưa được kiểm chứng nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nỗi sợ hãi, hoang mang về nạn bắt cóc trẻ em lập tức bao trùm lên đời sống xã hội, đặc biệt là tại các gia đình có con nhỏ.

Tâm lý con mình có thể là nạn nhân tiếp theo khiến một số phụ huynh trở nên cực đoan như: không cho con đến trường, không cho con ra ngoài để hạn chế giao tiếp, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Nhiều bậc phụ huynh nhìn đâu cũng ra nguy cơ rình rập con mình, cuộc sống trở nên căng thẳng, ngột ngạt.

Ðỉnh điểm của không khí sợ hãi, lo âu liên quan đến "nạn bắt cóc trẻ em" thời điểm đó có thể kể đến vụ việc tụ tập đông người, đốt ô-tô xảy ra ngày 20/7/2017 tại huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Nạn nhân là anh Trịnh Mạnh Hải, 37 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên, đang làm giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngày 20/7, anh Hải cùng một người bạn ghé qua cửa hàng bán đồ gỗ ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà. Tuy nhiên do hiểu lầm, người bán hàng thấy trong người mệt mỏi bèn cho rằng anh Hải thôi miên mình để lừa bắt cóc trẻ em như thông tin đọc được trên mạng nên tri hô hàng xóm đến cứu.

Ngay lập tức đông đảo người dân chạy đến, chặn ô-tô của anh Hải, đòi đánh. Một số đối tượng quá khích kích động người dân lật đổ ô-tô xuống ruộng, châm lửa đốt khiến chiếc xe bị cháy toàn bộ. Khi lực lượng chức năng có mặt, tại hiện trường vẫn còn khoảng 1.000 người đang tụ tập trong trạng thái bị kích động. Ngày 21/7/2017, qua xác minh làm rõ, Công an huyện Thanh Hà đã loại trừ việc anh Hải dùng thủ đoạn thôi miên, đánh thuốc mê để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt cóc trẻ em như dư luận đồn đoán, suy diễn.

Ðây có thể coi là một trong những thí dụ điển hình về tình trạng tin đồn thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng, trong một số trường hợp có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Ðáng lo ngại là vấn nạn "tin giả, hậu quả thật" đã và đang xảy ra trong thực tế, dưới nhiều hình thái khó lường, vì nhiều mục đích khác nhau.

Như có người đăng tin giật gân hòng câu like, câu view để bán hàng hoặc lừa đảo, trục lợi; có những đối tượng tung tin giả lên mạng xã hội để bôi nhọ, nói xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác chỉ vì thù hằn cá nhân hoặc triệt hạ đối thủ... Thực tế cho thấy, những tin đồn có nội dung gây sốc hoặc liên quan đến người của công chúng thường nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng như: "chập điện trong khu công nghiệp làm chết hàng chục người"; "kẻ biến thái chuyên đi rạch đùi các cô gái trẻ"; "máy bay rơi tại sân bay Nội Bài", "Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần", "trường mầm non sử dụng thịt lợn nhiễm sán lợn"… hay tin đồn về một nghệ sĩ nào đó ngoại tình, thậm chí vừa qua đời trong khi vẫn đang còn sống;… Không ít người dùng mạng xã hội do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu thông tin, nhẹ dạ, thích tìm kiếm các thông tin giật gân,... đã bị cuốn vào vòng xoáy tin giả để rồi gánh chịu những hậu quả khó lường.

Ðiều đáng phê phán hơn là thay vì tự rút kinh nghiệm, cảnh tỉnh bản thân, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội, một số người do bản tính hiếu kỳ hoặc mục đích khác vẫn tiếp tục tìm kiếm các tin giật gân, thậm chí tiếp tay cho nạn tin giả hoành hành.

Thực trạng trên đang đặt ra những vấn đề rất đáng lo ngại, nguy cơ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bởi bên cạnh những tin đồn thất thiệt có nội dung nhảm nhí, vô thưởng vô phạt, thì mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến tình hình chính trị của đất nước, đời sống dân sinh, các chính sách kinh tế-xã hội, đời tư của các chính trị gia cũng như các nhân vật có tầm ảnh hưởng…

Tiêu biểu có thể kể đến như: trong hơn hai năm qua khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam, làn sóng tin giả cũng hoành hành trên mạng xã hội, nguy hiểm không kém đại dịch do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra. Nổi lên tại Việt Nam là sự xuất hiện các thông tin không kiểm chứng, sai sự thật về tình hình dịch bệnh, lan truyền các bài thuốc chữa Covid-19 phản khoa học như súc miệng bằng cồn, hoặc uống nước tiểu thì chống được dịch bệnh. Lợi dụng sự lo lắng, hoang mang của người dân, một số đối tượng, tổ chức phản động, cực đoan, thiếu thiện chí liên tục đăng tải các thông tin sai lệch, hòng xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh; xuyên tạc những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng gặp khó khăn bởi đại dịch;… Có thời điểm những tin đồn vô căn cứ liên quan đến việc điều chỉnh chính sách kinh tế của Nhà nước hoặc thông tin thất thiệt về quy hoạch, chủ trương phát triển làm bùng phát làn sóng đầu tư đất đai, bất động sản, tích trữ vàng, ngoại tệ… thiếu lành mạnh.

Hoặc những thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí phản khoa học như tin đồn về việc ăn bưởi, ăn hạt dưa, trứng, ớt, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của người nông dân tại nhiều địa phương, khiến hàng loạt gia đình lâm vào cảnh khốn đốn do sản xuất không có đầu ra, nợ ngân hàng không có khả năng thanh toán. Tình trạng trên nếu không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời sẽ gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, cản trở công tác điều hành của Chính phủ, làm mất lòng tin của người dân với chính quyền. Từ đây, các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để kích động gây bạo loạn xã hội, chống đối chế độ.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, rà soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Tuy nhiên do tính chất "mở" của không gian mạng, một cá nhân có thể lập nhiều tài khoản, danh tính, địa chỉ không minh bạch, máy chủ ở nước ngoài,… khiến việc "dọn rác" trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn. Do đó để việc ngăn chặn, xử lý hiệu quả các đối tượng tung tin đồn vô căn cứ rất cần sự chung sức của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân khi tham gia, sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để có những hành xử phù hợp.

Các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội cần qua một bộ lọc sáng suốt, tỉnh táo, tăng cường tham khảo các nguồn tin chính thống để kịp thời loại bỏ tin sai, đồng thời người dùng mạng xã hội cần tăng sức đề kháng trước tin đồn nhảm, tránh tâm lý hoang mang, phát ngôn cảm tính, bị dẫn dắt sự xúi giục của người khác. Khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm cần chủ động báo cáo tới cơ quan chức năng. Mỗi cá nhân cần ý thức rằng việc tiếp tay, lan truyền những thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ðồng thời, các đơn vị cung cấp nền tảng mạng cũng phải tham gia tích cực hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn tin giả. Theo đó, các đơn vị này cần phải thiết lập những công cụ, cơ chế hữu hiệu để rà quét, phát hiện, lọc bỏ những tin tức chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xử lý nghiêm những tài khoản có hành vi đăng tải tin giả gây hại cho cộng đồng.

Mặt khác, để tin giả không có đất sống rất cần sự vào cuộc của các cấp ngành, tổ chức xã hội, cũng như các cá nhân có liên quan. Cụ thể những tin đồn thất thiệt có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, liên quan đến các ngành, lĩnh vực, tổ chức thì các cơ quan chuyên ngành cần nhanh chóng vào cuộc chủ động xác minh, phân tích, đánh giá, để đưa ra kết luận, hồi đáp công luận, không thể để việc xử lý chậm trễ, kéo dài, khiến tin giả có cơ hội phát tác, gây hại đến xã hội.

Việc chủ động chiếm lĩnh không gian mạng của các cơ quan, ban, ngành là rất cần thiết để từ đó tích cực lan tỏa các thông tin chính thống trên các nền tảng mạng xã hội, nhận diện thông tin xuyên tạc, bịa đặt để cảnh báo tới người dân. Theo thống kê, tại Việt Nam ước tính hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Việc sử dụng, phát huy hiệu quả kênh thông tin này, sẽ góp phần tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của cộng đồng.

Theo THÀNH SƠN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm