Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương xuất hiện rải rác các loại bệnh trên đàn gia súc nhưng ở mức độ nhỏ lẻ. Cụ thể, bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 2 huyện Chư Sê và Đức Cơ; bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở huyện Mang Yang; một số bệnh nghi bị tụ huyết trùng và ung khí thán xảy ra ở huyện Krông Pa. Ngay khi xuất hiện bệnh trên đàn vật nuôi, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp khống chế, khoanh vùng, hướng dẫn người dân điều trị. Nhờ đó, dịch bệnh không lây lan trên diện rộng.
Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 7-11-2022 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và nuôi trồng thủy sản năm 2023, đến nay, các địa phương đã xuất ngân sách hơn 15,8 tỷ đồng mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia súc. Tính đến ngày 20-7, các địa phương đã tiêm phòng được 81.635 liều vắc xin lở mồm long móng, hơn 12.025 liều vắc xin tụ huyết trùng, 50.195 liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò và hơn 38.094 liều vắc xin kép (gồm phó thương hàn và tụ huyết trùng) cho đàn heo.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân bổ 80.100 liều vắc xin lở mồm long móng 2 type O và A cùng 5.000 lít hóa chất Benkocid do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho 10 huyện, thị xã; đến nay đã tiêm được 65.775 liều, đạt 82%.
Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Huyện Kông Chro có số lượng trâu, bò lớn của tỉnh với hơn 43.400 con. Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-UBND của UBND tỉnh, huyện đã xuất ngân sách 1,2 tỷ đồng mua 30.475 liều vắc xin viêm da nổi cục hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Đến nay, việc tiêm phòng đã hoàn thành.
Ông Đinh Văn Bình (làng Mèo, xã Đak Pling) cho biết: “Vừa rồi, xã được hỗ trợ 1.625 liều vắc xin viêm da nổi cục để tiêm cho đàn trâu, bò. 4 con bò của gia đình tôi cũng vừa tiêm phòng xong”.
Cùng với việc xuất ngân sách mua vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, huyện Kông Chro được phân bổ 10.000 liều vắc xin lở mồm long móng do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ. Đến nay, huyện đã tiêm phòng được hơn 5.000 liều tại 3 xã Chơ Long, Yang Nam và Yang Trung. Ông Trần Khương Vũ-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Cán bộ thú y của Trung tâm phối hợp với nhân viên thú y của 3 xã khẩn trương tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đảm bảo theo kế hoạch nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi”.
Tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Còn ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang thì cho biết: Hiện nay đang vào mùa mưa, sức đề kháng của gia súc giảm. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang hướng dẫn người dân chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Trong đó, tập trung tiêm phòng các loại vắc xin để tạo hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự mua vắc xin về tiêm phòng cho đàn gia súc để hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin: Từ đầu năm đến nay, một số bệnh xuất hiện trên đàn gia súc nhưng ở mức nhỏ lẻ, được cơ quan chuyên môn khoanh vùng dập tắt kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định; thường xuyên cập nhật dịch bệnh ở các tỉnh giáp ranh và trong cả nước để cảnh báo đến các địa phương triển khai các giải pháp ngăn chặn, bảo vệ đàn gia súc.
“Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa mưa. Đặc biệt, các địa phương tăng tốc tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xuất hiện, gây thiệt hại cho người chăn nuôi”-ông Dũng cho biết thêm.