Thời sự - Bình luận

Tăng tốc trên con đường lúa gạo mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Không gian phát triển lúa gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một không gian vật lý cụ thể.

Chiều 15-10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đây là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế, với sự vào cuộc và quyết tâm rất cao từ trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Trên thực tế, việc triển khai đề án thời gian qua bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức cần được nhận thức đúng, kịp thời có quyết sách và giải pháp tháo gỡ.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn nên các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo về cơ chế, chính sách, phương pháp triển khai, cách thức tổ chức và huy động nguồn lực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cho tưới tiêu chủ động, cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp chưa được bảo đảm đồng bộ trên quy mô vùng.

Để bổ sung nguồn lực kịp tiến độ triển khai đề án và đáp ứng các yêu cầu tiến độ, cần thay đổi cách tiếp cận từ dự án thành chương trình đầu tư công hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, phân cấp cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện, chính sách đặc thù sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị chương trình đầu tư công này so với quy trình chuẩn bị dự án thông thường.

Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển lịch sử. Từ đơn ngành, đơn giá trị sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại đa thu nhập, đa lợi ích; từ đó giải quyết những bất cập của ngành trồng lúa, thu nhập bấp bênh của người nông dân bằng cách cân bằng lợi ích dựa trên 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang được kỳ vọng tăng tốc trên con đường mới cho một giai đoạn phát triển mới. Không gian phát triển lúa gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một không gian vật lý cụ thể. Đó còn là sự tích hợp với các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học - công nghệ; đặc biệt là nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo, gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. n

Có thể bạn quan tâm