Tảo hôn ở Ia Phí: Vấn đề chưa hết "nóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ia Phí là xã nghèo của huyện Chư Pah, có 13 thôn, làng, trong đó người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Jrai) chiếm hơn 80%. Tại xã nghèo này, nạn tảo hôn (kết hôn sớm hơn tuổi quy định của pháp luật) trong cộng đồng vẫn còn hiện hữu.

Dọc đường lên xã nghèo Ia Phí, chúng tôi bắt gặp khá nhiều hình ảnh các bà mẹ nhí địu con trên lưng, nét mặt vẫn rất hồn nhiên, vô tư, lóng ngóng bên đứa con bé bỏng. Nhìn họ, nhiều người đoán là hai chị em. Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình đã được triển khai, nhưng nạn tảo hôn được xem là chuyện rất bình thường của người dân nơi đây.
 

Vợ chồng Rơ Châm Tinh đều chưa đủ tuổi kết hôn. Ảnh: P.L

Khi trò chuyện với cặp vợ chồng vừa tảo hôn là Rơ Châm Tinh (19 tuổi) và Rơ Châm Rưng (17 tuổi) ở làng Kép (xã Ia Phí) để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này, tôi được Rơ Châm Tinh cho biết: “Từ khi lập gia đình, mình qua ở rể luôn tại nhà bố mẹ vợ. Chưa đủ tuổi nhưng hai đứa mình thương nhau nên bố mẹ cũng đồng ý cho cưới mà; hơn nữa, mọi người trong làng cũng thế cả”. Khi được hỏi: “Có biết xây dựng gia đình sớm thế này sinh con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nòi giống, hay cuộc sống sẽ rất vất vả không?”, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “không, yêu là cưới thôi”. Một trường hợp khác là em L. (ở làng Lút), nhà nghèo khó, bố mẹ ít quan tâm tới con cái, con đường học của em bị dang dở. Sau vài lần đi chơi, L. lỡ mang bầu và đám cưới được tổ chức khi L. mới 13 tuổi, cơ thể mới chớm phát triển đã phải nuôi dưỡng bào thai, làm con chưa tròn lại phải làm mẹ; vì thế, đứa con của L. ốm yếu, không thể phát triển khỏe mạnh.

Mang những băn khoăn về hủ tục tảo hôn trao đổi với anh Rơ Châm Khuch-Phó Bí thư đoàn xã Ia Phí, chúng tôi nhận được cái lắc đầu bất lực: Muốn tìm gặp các cặp vợ chồng kết hôn dưới 18 tuổi ở Ia Phí giờ đây không khó. Năm 2013, toàn xã có 22 trường hợp tảo hôn, nhưng đây là số liệu thống kê chưa chính xác, bởi có một số trường hợp về ở với nhau mà không báo cáo chính quyền địa phương nên xã không nắm được. Đoàn thanh niên cũng đã tuyên truyền vào các buổi họp để nói các em biết tác hại của tảo hôn. Cán bộ dân số xã cũng đã về tận nơi tuyên truyền và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra và đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Tảo hôn không phải là chuyện mới, nhưng điều đáng lo ngại là tảo hôn không chỉ gây ra hệ lụy cho chính bản thân mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Nhiều cô gái phải làm vợ và làm mẹ ở tuổi vị thành niên, kiến thức cũng như kinh nghiệm cuộc sống chưa có và những câu chuyện dở khóc dở cười trong sinh hoạt và làm mẹ của cô dâu nhí khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn là do bị ảnh hưởng bởi tập tục kết hôn sớm đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Cùng với đó là do địa bàn cư trú phân bố rộng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế nên phần lớn người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, chưa hiểu rõ những hệ lụy từ tảo hôn. Để ngăn chặn hủ tục này tiếp diễn trong đời sống của người dân ở xã Ia Phí là một bài toán cũ nhưng vô cùng hóc búa. Vì thế, rất cần có những chính sách, phương án xử lý thiết thực và quyết liệt hơn nữa để lứa tuổi thanh-thiếu niên nơi đây được đến trường, được bảo vệ sức khỏe và có một tương lai tốt đẹp hơn.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm