(GLO)- Đó là tinh thần công văn số 488/UBND-KGVX của UBND tỉnh Gia Lai gửi các sở, ban, ngành; các hội, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thực hiện công tác trẻ em năm 2022.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện công tác trẻ em năm 2022 với các nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em đã được Trung ương, địa phương ban hành để thực tốt công tác trẻ em; tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-12-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; đề xuất và triển khai các nội dung cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng để thực hiện quyền trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn trước mắt và lâu dài, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em, kỹ năng phòng-chống xâm hại trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng; thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) và các dịch vụ bảo vệ trẻ em đến từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và trẻ em. Tư vấn, hướng dẫn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng-chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè. Đặc biệt, cần biểu dương những mô hình, điển hình, sáng kiến tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đóng góp nguồn lực cho công tác này.
Phòng-chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè luôn là điều được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm. Ảnh: Lam Nguyên |
Cùng với đó, triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em hãy lên tiếng phòng-chống xâm hại, bạo lực trẻ em”; quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp cùng như các hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Phát triển mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em với sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, bưu điện xã, bộ đội biên phòng...; thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ). Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em; đồng thời kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện có hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của địa phương.
LAM NGUYÊN