Kinh tế

Sổ tay phóng viên:

Tạo nét riêng để định vị thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Gobranding-một công ty chuyên cung cấp các giải pháp phát triển thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, định vị thương hiệu là việc mà doanh nghiệp tạo cho sản phẩm của họ một vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng, giúp sản phẩm dễ dàng được nhận ra giữa vô vàn đối thủ cạnh tranh.

Trong xu thế hội nhập, nhiều cơ sở sản xuất của Gia Lai cũng đang chú trọng không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn đưa “câu chuyện” vào để nâng tầm sản phẩm.

Có lẽ không ít người đã bật cười thú vị khi cầm trên tay gói cà phê của cơ sở Nguyễn Hân Coffee Farm (làng Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) và thấy hình ảnh của chính ông chủ in trên bao bì.

Nguyễn Hân và gói cà phê có in hình "chính chủ". Ảnh: Hà Duy

Anh Nguyễn Văn Hân, chủ cơ sở Nguyễn Hân Coffee Farm chia sẻ: “Suy nghĩ của tôi lúc làm bao bì sản phẩm khá đơn giản. Cơ sở sản xuất của tôi thời điểm đó chỉ là cơ sở rất nhỏ, trong khi trên địa bàn tỉnh đã có quá nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng. Nếu chỉ là một bao bì thường thấy với cây cà phê, ly cà phê hay tên nhãn hiệu thì không đủ để tạo ấn tượng cho khách hàng. Vì vậy, tôi đã in hình chính mình lên bao bì. Điều này còn có ý nghĩa khác là tôi "bán" tất cả tâm sức của mình cho cà phê”.

Chị Lê Thị Hoài An-một khách hàng ở tổ dân phố 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ nhận định: “Chưa tính đến chất lượng sản phẩm như thế nào, nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi khi cầm gói cà phê Nguyễn Hân trên tay đó là sự hồn nhiên, trực tiếp, là khao khát được biết tới của chủ thương hiệu, gợi lên cảm giác muốn ủng hộ cho sản phẩm có xuất xứ huyện nhà. Sau đó, tôi biết được sản phẩm cà phê của Nguyễn Hân được sản xuất theo hướng cà phê sạch, kỹ lưỡng trong khâu chế biến, tất cả những lý do đó khiến tôi gắn bó với cà phê Nguyễn Hân”.

Một cách định vị thương hiệu thú vị khác là câu chuyện tình yêu của vợ chồng chủ thương hiệu L’amant café-ông Thái Như Hiệp và bà Trần Thị Lan Anh (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, 404 Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ông Hiệp cho biết: L’amant trong tiếng Pháp có nghĩa là người tình. Và đọc lái lại thì L’amant lại gần gần giống với “Lan Anh”-tên của người đồng sáng lập, cũng là người phụ nữ luôn đứng bên cạnh sự thành công của ông. “Khi nhắc tới L’amant, người ta liền nghĩ đến một cảm giác yêu thương và đắm say. Đó là tình yêu mà tôi dành cho vợ mình, và đó cũng là tình yêu mà chúng tôi dành cho cà phê. Bên cạnh hành trình đưa hạt cà phê trở về vẹn nguyên với những giá trị dinh dưỡng, chúng tôi còn gửi gắm tình yêu say đắm và quyết tâm của mình”-ông Hiệp cho hay.

Cách thể hiện tình yêu đầy tinh tế của chủ thương hiệu cà phê L'amant với người bạn đời của mình. Ảnh: chụp màn hình

Trong một lần công tác tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có một gợi ý đáng giá trong việc phát triển xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp, đó là: Đưa “câu chuyện” vào cà phê và du lịch nông nghiệp Gia Lai. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chính những “câu chuyện” đó là yếu tố để khách hàng tìm đến và tiếp tục quay lại. Hiện nay người ta không chỉ yêu cầu sản phẩm ngon, chất lượng mà người ta còn cần yếu tố văn hóa ở đó. Lúc đó, sản phẩm của ta mới thực sự được “định vị”.

Bộ trưởng cũng lấy ví dụ về thương hiệu Ara-Tay Coffee với slogan: “Tử tế đến từng hạt”. Slogan đó chính là “câu chuyện”-câu chuyện về trách nhiệm, đạo đức, cảm xúc, văn hóa của chủ thương hiệu Ara-Tay Coffee. Bởi người ta vẫn luôn nói cụm “cà phê sạch”, “nông sản sạch”, nhưng chỉ vậy thì chưa đủ thuyết phục, mà phải là “tử tế”, phải tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ đối người tiêu dùng.

Trở lại Nguyễn Hân coffee và L’amant café, một thương hiệu vẫn đang nỗ lực tìm chỗ đứng và một thương hiệu đã vươn ra thế giới, dù là thành công ở mức độ nào thì có một điều chung nhất dễ thấy, đó là cả 2 đều đã tạo được “nét riêng”-gợi được những xúc cảm mạnh mẽ ở người tiêu dùng.

Theo Gobranding, có một số phương pháp định vị thương hiệu phổ biến, như: định vị theo chất lượng (đòi hỏi thời gian dài và bền bỉ); định vị theo giá trị (tức là đáp ứng được nhu cầu theo đúng những gì mà khách hàng bỏ ra); định vị theo cảm xúc (đánh mạnh vào cảm xúc của khách hàng); định vị dựa trên đối thủ (tức là ngầm so sánh sản phẩm của mình với đối thủ cạnh tranh để nhấn mạnh chất lượng, sự khác biệt); định vị dựa vào mối quan hệ (tức là sản phẩm xuất phát từ các dòng sản phẩm chính của doanh nghiệp, có thể xuất phát từ chính các dòng sản phẩm khác của doanh nghiệp, có thể dựa vào mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh hoặc mối quan hệ với khách hàng); định vị dựa vào mong muốn (chính là tạo ra sản phẩm riêng biệt cho khách hàng theo mong muốn của họ); định vị dựa vào công dụng (tức là sản phẩm thể hiện được lợi ích mà khách hàng cảm nhận được)...

Các sản phẩm có xuất xứ từ Gia Lai-bằng những nét riêng biệt-cũng đang từng bước định vị thương hiệu của mình. Ảnh: Hà Duy

Đáng mừng là các sản phẩm có xuất xứ từ Gia Lai đang từng bước định vị thương hiệu của mình, có thể kể tới như: Bò khô Mười Đức với slogan “Hương vị ẩm thực núi rừng”-thể hiện được xuất xứ cũng như cam kết về hương vị tự nhiên của món bò khô; hay cà phê Thanh Thủy với slogan “Uống theo cách riêng của bạn”-đây là cách định vị dựa trên mối quan hệ, khuyến khích khách hàng hãy tự tin sáng tạo và thể hiện bản thân; hay mật ong Phương Di-cái tên Phương Di có nghĩa là “di chuyển khắp 4 phương tìm mật”, điều này ngầm khẳng định mật ong Phương Di là mật ong tự nhiên, mật ong an toàn…

Với hằng hà sa số những sản phẩm mới xuất hiện mỗi ngày ở tất cả các lĩnh vực đòi hỏi các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất phải tạo được nét riêng để định vị thương hiệu của mình. Đó là “cuộc chơi” vô cùng khốc liệt nhưng công bằng, đòi hỏi “người chơi” phải nghiêm túc với sự quyết tâm mạnh mẽ và nỗ lực sáng tạo không ngừng.

Có thể bạn quan tâm