Kinh tế

Tài chính

Cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28:

Tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hộ nghèo người dân tộc thiểu số (DTTS) được vay tối đa 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo để hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững. Chính sách này đã tiếp thêm động lực giúp người dân vươn lên thay đổi cuộc sống.

Một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn chính sách này là ông Xuyêp (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa). Ông Xuyêp cho biết: “Cuối năm 2022, gia đình tôi được xét duyệt vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) với số tiền 100 triệu đồng. Tôi mua 1 chiếc xe công nông để vận chuyển hàng hóa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và đầu tư chăm sóc 5 con bò để tạo thêm sinh kế”.

Chính thức triển khai từ tháng 12-2022, chương trình cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28 của Chính phủ có tỷ lệ giải ngân khá tích cực. Ảnh: S.C

Cũng thuộc đối tượng hộ nghèo không có đất sản xuất, gia đình ông Kpuih Pũp (làng Tai Glai, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) có 6 khẩu cùng sinh sống trong căn nhà chưa tới 50 m2. Trong đó, 3 người trong độ tuổi lao động, nguồn thu nhập chủ yếu từ việc làm thuê. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 1 sào lúa nước. Tháng 12-2022, gia đình được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để chuyển đổi nghề. Nhờ nguồn vốn này, gia đình đã mua 3 con bò về nuôi tạo thêm sinh kế ổn định cuộc sống”-ông Pũp chia sẻ.

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề hiện có dư nợ tín dụng là 19,078 tỷ đồng/308 hộ vay. Với mức dư nợ này, chương trình cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề đứng thứ hai, sau dư nợ cho vay hỗ trợ làm nhà ở là 22,84 tỷ đồng/591 hộ vay.

Xung quanh việc triển khai cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề tại địa phương, ông Nguyễn Văn Ngọc-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa-cho hay: “Từ khi Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được ban hành, Phòng Giao dịch phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách tín dụng ưu đãi đến với người dân.

Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch phối hợp chặt chẽ với Phòng Dân tộc huyện và chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng. Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng, cán bộ tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi”.

Trong năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa phối hợp với Phòng Dân tộc tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề trình UBND huyện phê duyệt. Theo kế hoạch, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ cho vay chuyển đổi nghề 96 hộ với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Sê tổ chức phiên giao dịch định kỳ tại xã Dun. Ảnh: S.C

Tại Chư Sê, tính đến hết tháng 6-2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã cho vay 10 hộ với số tiền 500 triệu đồng. Đây là những hộ vay theo danh sách kế hoạch năm 2022. Theo kế hoạch phân bổ năm 2023, toàn huyện có 40 hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Phòng Dân tộc huyện đôn đốc UBND các xã tổng hợp danh sách đối tượng thụ hưởng để trình UBND huyện phê duyệt, làm cơ sở để Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay.

Ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Về nguồn vốn tín dụng cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và được Ngân hàng CSXH tỉnh giao vốn theo kế hoạch năm 2023. Sau khi được UBND huyện phê duyệt, Phòng Giao dịch sẽ phối hợp với UBND các xã, các hội đoàn thể nhận vốn ủy thác cấp xã hướng dẫn bà con lập hồ sơ vay vốn. Phòng Giao dịch sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng, tạo động lực hỗ trợ cho hộ nghèo là người DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Theo kết quả khảo sát nhu cầu cho vay chuyển đổi nghề giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến có 6.463 hộ. Trong đó, năm 2022 có 835 hộ, năm 2023 là 1.796 hộ. Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2023, ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: “Ban tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nội dung của Kế hoạch số 1290/KH-UBND tỉnh; đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn, đánh giá thực hiện chương trình năm 2023 ở các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung, tiểu dự án, dự án thuộc chương trình. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu của chương trình đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nhằm từng bước thay đổi và làm chuyển biến nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Có thể bạn quan tâm