Tàu thăm dò mặt trời Parker Solar Probe của NASA có kích thước bằng một chiếc ôtô nhỏ đang thực sự "chạm vào mặt trời".
Tàu vũ trụ Parker Solar Probe vừa phá kỷ lục của chính mình trong hoạt động tiếp cận mặt trời ngày 29.4. Ảnh: NASA. |
Tàu thăm dò của NASA được phóng vào vũ trụ từ tháng 8.2018 với sứ mệnh nghiên cứu mặt trời. Cnet thông tin ngày 29.4, tàu Parker Solar Probe vừa phá 2 kỷ lục của chính mình.
Theo đó, tàu thăm dò mặt trời Parker Solar Probe đã tận dụng tác dụng từ lực hấp dẫn của sao Kim để tăng tốc và đổi hướng đi tiến gần hơn vào mặt trời trong lần di chuyển mới nhất hôm 29.4.
Trong lần tiếp cận gần nhất với mặt trời đến điểm cận nhật (hay còn được gọi là "củng điểm quỹ đạo"), tàu Parker di chuyển với tốc độ gần như không thể đo được, đủ để quay quanh trái đất 13 vòng trong một giờ.
Các kỷ lục mới được chính tàu Parker lập gồm: Vật thể do con người tạo ra nhanh nhất: 532.000 km/h; Tàu vũ trụ gần mặt trời nhất: 10,4 triệu km.
Trước đó, tàu vũ trụ nhỏ bé chống cháy của NASA lập 2 kỷ lục ở hạng mục này vào tháng 2.2020. Kỷ lục là vật thể do con người tạo ra nhanh nhất: 393.044 km/h và tàu vũ trụ gần mặt trời nhất: 18,6 triệu km.
Cnet lưu ý, tàu thăm dò mặt trời Parker Solar Probe dự kiến tiếp tục phá kỷ lục của chính mình vào cuối năm khi tận dụng lực hấp dẫn của sao Kim để tiến gần trung tâm của hệ mặt trời hơn nữa. Điểm cận nhật mới dự kiến xảy ra ngày 21.11.
Tàu thăm dò mặt trời Parker đã giúp các nhà khoa học vũ trụ tiết lộ một số bí ẩn lớn của mặt trời kể từ khi bắt đầu sứ mệnh. Tháng 12.2019, lô dữ liệu đầu tiên của tàu Parker đã được công bố trên tạp chí danh tiếng Nature giúp vén bức màn về các hạt tích điện và động lực học plasma trong bầu khí quyển bên ngoài của mặt trời.
THANH HÀ (LĐO)