Thời sự - Bình luận

Tây Nguyên những mùa Noel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lễ Giáng sinh cũng là dịp thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với bà con giáo dân; là dịp để các chức sắc Công giáo, Tin lành phản ánh tâm tư, nguyện vọng với các cấp chính quyền thông qua giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, đánh giá những việc đã làm, chưa làm được năm qua và đề xuất, kiến nghị cùng bàn về những giải pháp chăm lo đời sống cho bà con cho năm đến, giúp đời sống người dân ngày càng phát triển với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.
Tháng 4-1848, sau nhiều năm thăm dò, thầy Sáu Do từ Gò Thị, Bình Định đã tìm được cách xoi đường qua Trạm Gò (nay là Cửu An, An Khê) lên vùng đất phía Tây Trường Sơn-nơi cư trú của những cư dân Xê Đăng, Jrai, Bahnar, tận phía mặt trời lặn, có con sông chảy ngược. Trải qua nhiều tháng băng rừng, vượt núi, gian khổ, thách thức, cuối cùng nhóm truyền giáo cũng xuôi theo dòng sông Đak Bla đến gần ngã ba sông (Đak Bla và Pô Cô) chọn làng Hồ (TP. Kon Tum ngày nay) làm điểm dừng nghỉ. Các nhà truyền giáo dựng lều trại, sống cùng bà con Bahnar, Xê Đăng, học ngôn ngữ, văn hóa và truyền bá đức tin Thiên Chúa. Ngoài việc truyền đạo trong đồng bào các dân tộc bản địa, các cha xứ đã chuộc một số người Kinh bị người Xê Đăng bắt làm nô lệ trong vùng và người dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trốn tránh triều đình, mộ đạo lên lập thành các làng Tân Hương, Phương Quý, Phương Nghĩa... Từ đây về sau, con đường truyền đạo mở rộng xuống các buôn làng ở Pleiku, Ayun Pa, rồi tận Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn... Nếu tính cột mốc từ năm 1848 thì đến nay, Tây Nguyên đã đón 170 mùa Noel.
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Những người Công giáo lên Tây Nguyên khá sớm, đã hình thành 3 giáo phận nằm trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên và một phần của tỉnh Bình Phước. Trong đó, giáo phận Kon Tum ra đời sớm nhất, cai quản giáo dân 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Riêng Gia Lai đến nay có khoảng 1.000 thôn, buôn, khu dân cư với gần 100.000 đồng bào theo Công giáo. Đạo Tin lành xuất hiện ở Tây Nguyên muộn hơn, khoảng năm 1930, song đã len lỏi rất nhanh trong vùng đồng bào các dân tộc bản địa, trở thành một trong những tôn giáo có tín hữu khá đông. Gia Lai hiện có 5 tôn giáo bao gồm: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài và Bahai với trên 370.000 tín đồ (chiếm khoảng 25% dân số), trong đó chủ yếu là những người theo Kitô giáo (Công giáo, Tin lành), vì vậy Noel là dịp lễ trọng hàng năm của bà con giáo dân.
Noel diễn ra vào dịp cuối năm, khi thời tiết ở Tây Nguyên chuyển mùa, thật đẹp. Trời nắng vàng óng nhưng se lạnh. Cây cối vừa qua mùa mưa căng tròn, xanh tốt. Trên khắp các buôn làng, nương rẫy, người dân đã và đang vào mùa. Noel là mùa đẹp nhất của năm, thời điểm no đủ nhất của năm. Đến tháng 2, tháng 3 mùa khô đã kéo dài, nhiều nơi bắt đầu thiếu nước, lúa trong kho vơi dần, cái lo thiếu ăn của một số hộ gia đình đã hiện hữu. Một vụ gieo trồng mới sắp bắt đầu với bao mối lo toan, tất bật, không còn thảnh thơi như dịp cuối năm. Vì thế, từ nhiều năm nay, khi đời sống khá lên, khắp từ buôn làng đến đô thị Tây Nguyên, cứ đầu tháng 12 đã nô nức không khí của ngày lễ Giáng sinh. Khung cảnh trang trí rực rỡ, bắt mắt ở các đường phố, cửa hàng, cửa hiệu, quán sá, nơi giáo dân sinh hoạt, thờ tự, đến tận nhà cửa của bà con Kitô giáo.
Giáng sinh giờ không chỉ là ngày lễ của những người theo Công giáo, Tin lành mà nó dần trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng chung, chủ yếu là giới trẻ. Những bản nhạc Giáng sinh ngân vang khắp mọi nơi, nhất là quán sá. Giáng sinh trở thành dịp sinh hoạt nhộn nhịp: trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel tặng quà; những đôi tình nhân âu yếm hẹn hò, là dịp thể hiện tình cảm, trao quà cho nhau; gia đình, bạn bè cùng nhau vui chơi, yến tiệc. Không khí đón Giáng sinh thật ấm áp, vui vẻ, rộn ràng và yên lành trong tiết trời Tây Nguyên se lạnh, thật sự là cảm giác thú vị, khó quên với mọi người.
Bây giờ, các cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tín ngưỡng được xây dựng mở mang ở khắp các địa bàn dân cư, mùa Noel đồng bào Kitô giáo ít kéo nhau về phố, về nơi có các nhà thờ lớn để sinh hoạt lễ. Chứ trước đây, những ngày Giáng sinh, đồng bào vùng sâu, vùng xa từ xã, huyện nườm nượp kéo về các nhà thờ lớn ở phố, nhất là TP. Kon Tum, hàng vạn người thuê xe chở về tập trung ở Nhà thờ gỗ, Nhà thờ Tân Hương, ăn ngủ, đi lại tấp nập, kẹt cứng cả đoạn đường Nguyễn Huệ tạo nên khung cảnh rất đặc biệt.
Đồng bào các dân tộc Việt Nam có truyền thống tiếp nhận, hấp thu, hòa hợp, cộng hưởng rất tốt các thành tố văn hóa, các nền văn hóa. Tuy nhiên, nét văn hóa đặc trưng lễ Noel ở vùng Tây Nguyên, đặc biệt là trong các buôn làng khi văn hóa tín ngưỡng Kitô giáo kết hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc, đã tạo nên sự khác biệt rất ấn tượng. Vì vậy, Noel cũng là cơ hội để du khách thập phương muốn trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên một lần thưởng lãm.
Lễ Giáng sinh cũng là dịp thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với bà con giáo dân; là dịp để các chức sắc Công giáo, Tin lành phản ánh tâm tư, nguyện vọng với các cấp chính quyền thông qua giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, đánh giá những việc đã làm, chưa làm được năm qua và đề xuất, kiến nghị cùng bàn về những giải pháp chăm lo đời sống cho bà con cho năm đến, giúp đời sống người dân ngày càng phát triển với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.
 Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm