Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên những năm qua đã và đang để lại nhiều hệ lụy và vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, tái định cư, tác động xấu đến môi trường.
Nhà máy thủy điện Plei Krong. |
Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Bộ Công thương rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trỉnh thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái và đảm bảo không gian sinh sống của đồng bào ở các vùng dự án tại Tây Nguyên, kiên quyết loại bỏ những dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến rừng và sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Việt Hùng- Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết: “Bộ Công thương đã hoàn tất việc đi thực tế một số thủy điện để có báo cáo đánh giá chung. Quan điểm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với vấn đề này là đồng ý rà soát nghiêm túc quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên. Đối với những dự án có tác động lớn tới môi trường, đời sống người dân mà không khắc phục được thì kiên quyết không để. Thậm chí, từ nay đến cuối năm, khi chưa có ý kiến chính thức về thủy điện, thì cũng nên tạm dừng các công trình thủy điện mới”.
Toàn khu vực Tây Nguyên đang có 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000 MW. Hiện đã có 84 dự án được đưa vào sử dụng, công suất gần 5.000 MW. Các dự án còn lại đang được xây dựng và lên kế hoạch đầu tư.
Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong đền bù, tái định cư ở những công trình thủy điện lớn như Plei Krong, An Khê-Kanak và Đồng Nai 3.
Theo VOV