Tây Nguyên: Trước nguy cơ hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa khô 2012-2013 ở Tây Nguyên đã đến sớm, đồng thời lượng mưa trong cả mùa mưa cũng như trong thời kỳ chuyển từ mùa mưa sang mùa khô không nhiều đang là dấu hiệu cho thấy tình hình thời tiết trong thời gian tới sẽ có những diễn biến không như mong muốn. Nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vụ Đông Xuân 2012-2013 đang hiển hiện khá rõ.   

Cũng với biểu hiện tương tự, Tây Nguyên đã từng trải qua những cơn đại hạn, điển hình như các năm 1997-1998, 2004-2005 hay gần đây nhất là mùa khô 2010-2011.

 

 

Câu hỏi đặt ra là điều kiện thời tiết, thủy văn trong mùa khô 2012-2013 sẽ ra sao, liệu mức độ khô hạn, thiếu nước có nghiêm trọng như những gì đã xảy ra trong các mùa khô trước? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp cho nhân dân các địa phương các tỉnh Tây Nguyên sớm có các bước ứng phó thích hợp, hiệu quả, hạn chế được những khó khăn, thiệt hại do khô hạn thiếu nước gây ra trong vụ sản xuất Đông Xuân 2012-2013.

Trên cơ sở phân tích các số liệu điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn, cho thấy: Ở góc độ các nhân tố ảnh hưởng chính trong mùa khô hàng năm là lượng mưa và nguồn nước thì mùa khô 2012-2013 ít cực đoan hơn so với các mùa khô trước, bởi năm 2012 là năm mưa ít nhưng không quá ít như các năm 1997, 2004 và năm 2010. Lượng mưa năm 2012 (tính đến thời điểm đầu mùa khô 2012-2013) ở các vùng trong khu vực đã đạt 75-105% tổng lượng mưa năm trung bình nhiều năm.

Trên các sông suối, vào thời điểm bắt đầu của mùa khô 2012-2013, mực nước duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (TBNNCTK) 0,2-0,5 mét, đối với các sông chưa hoặc ít chịu tác động của các hồ chứa thủy điện; từ 0,5 mét đến 1,5 mét (có nơi > 1,5 mét) đối với các sông có ảnh hưởng hoạt động của các hồ chứa. Lượng dòng chảy trên các sông chưa chịu tác động của hồ chứa (còn chế độ dòng chảy tự nhiên) cũng không quá thấp, hiện ở mức thấp hơn TBNNCTK 10-25%.

Số liệu của các hồ chứa cũng cho thấy, do có sự chủ động tích nước trong thời kỳ cuối mùa mưa nên một số hồ chứa lớn đã tích trữ được gần đủ dung tích chứa cho phép và còn có khả năng tích thêm được do lượng nước về hồ vẫn còn.  Trong khi đó, ở thời kỳ đầu mùa khô trước, lượng nước quá thấp và đa số các hồ chứa cũng chỉ tích được khoảng 40-60% lượng nước, thậm chí có nhiều hồ đập không có nước ngay từ đầu mùa khô.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc so sánh cũng cho thấy ở mùa khô 2012-2013 có những bất lợi tương tự như mùa khô trước, thậm chí còn có nhân tố cực đoan hơn.

Dễ nhận thấy nhất là mùa mưa kết thúc khá đột ngột. Ngay sau những trận mưa xuất hiện trong thời gian đầu tháng 10, mưa gần như dừng hẳn ở nhiều vùng, nhất là khu vực các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak. Ở những vùng này, đến cuối tháng 10 tuy có xuất hiện một đợt mưa nữa nhưng diện mưa hẹp và lượng mưa không lớn. Trong khi đó cùng với việc dừng mưa, độ ẩm không khí đã tụt giảm nhanh là cho thời tiết trở nên hanh khô, nhiệt độ thay đổi mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn là những nhân tố gây bất lợi đối với trồng trọt, chăn nuôi và còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.

Một điểm cực đoan khác được dự báo là khả năng thời tiết khu vực sẽ chịu tác động của hiện tượng El Nino. Đầu và giữa mùa thời tiết sẽ rất hanh khô và lạnh; các vùng núi cao còn có thể có rét và sương giá ngay từ cuối tháng 11 kéo dài đến tháng 2-2013. Cuối mùa (tháng 3, tháng 4) chuyển sang thời kỳ nắng nóng với nguy cơ xuất hiện những đợt nắng nóng nhiều hơn, gay gắt hơn, có thể làm cho mức độ khô hạn càng thêm trầm trọng và xen kẽ trong đó là những trận mưa dông kèm theo sấm sét, lốc xoáy và mưa đá.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan này thường đi song hành với nhau và có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong những kỳ ảnh hưởng của El Nino ở Tây Nguyên. Một khó khăn khác là nhiều công trình thủy lợi, nhiều hồ đập đã không còn giữ được hiệu suất khai thác sử dụng như thiết kế và đến thời điểm đầu vụ này cũng còn tích được lượng nước rất khiêm tốn nên mức độ cấp nước sẽ rất hạn chế trong thời kỳ dùng nước (giữa và cuối vụ). Tổng hợp kết quả dự báo về tình hình thời tiết, thủy văn vụ Đông Xuân 2012-2013 ở Tây Nguyên cho thấy điều kiện thời tiết chủ yếu là khô và lạnh trong thời kỳ đầu và giữa vụ; khô và nắng nóng ở cuối vụ.

Tác động của điều kiện khí hậu, thời tiết là gần như bất khả kháng nhưng trong chừng mực nào đó, nếu biết trước được xu thế biến đổi của các yếu tố thời tiết, thủy văn cơ bản thì vẫn có thể có các biện pháp hạn chế khó khăn, trở ngại để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo dựng các điều kiện cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt. Do đó, việc theo dõi thường xuyên những diễn biến của thiên nhiên nói chung, của thời tiết, thủy văn nói riêng và chủ động các biện pháp ứng phó sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân 2012-2013 ở Tây Nguyên.

Nguyễn Văn Huy

Có thể bạn quan tâm