Tết của những lao động xa xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù sống và làm việc ở bất cứ đâu, ai cũng đau đáu một nỗi niềm được về quê ăn Tết. Song ở đâu đó nơi đất khách xa xôi, có những người con vẫn đang miệt mài làm việc để hy vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Còn ở quê nhà, khi không khí Tết đang đến thật gần, những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động lại nén nỗi lòng để mong chờ ngày cả gia đình cùng đoàn tụ trong  những cái Tết đủ đầy, sung túc hơn.

Nỗi nhớ đong đầy

Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Triệu Quốc Hiển và chị Trần Thị Quyên, ở thôn 5 (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah), chúng tôi được anh chị vui vẻ kể cho nghe chuyện con trai cả Triệu Hải Đăng, 21 tuổi, đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Đó là vào ngày 15-12-2013, khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. “Đó là cái Tết đầu tiên cháu xa nhà, không riêng vợ chồng tôi có cảm giác trống vắng mà cả Đăng nữa, mấy ngày Tết ngày nào cháu cũng gọi điện về nói là nhớ da diết Tết quê. Lúc đó, vợ chồng tôi chỉ còn biết động viên cháu là cố gắng trong công việc và cuộc sống, khi nào hết hạn hợp đồng (3 năm) sẽ có nhiều cái Tết sum vầy bên gia đình”-anh Triệu Quốc Hiển kể.

 

Triệu Hải Đăng ở Nhật Bản.
Triệu Hải Đăng ở Nhật Bản.

Để giúp con vơi đi nỗi nhớ nhà, gia đình anh Hiển sắm một chiếc điện thoại có cài thẻ 3G để gọi điện thoại và chat được với con hàng ngày. Nhờ thế, ngày nào anh Hiển và chị Quyên cũng có thể tâm sự với con. Trao đổi qua điện thoại, Triệu Hải Đăng cho biết, tuy làm việc ở nơi đất khách, nhưng cuộc sống sinh hoạt của lao động Việt Nam tại Nhật Bản khá thuận lợi. “Em làm việc cho một công ty cơ khí của Nhật. Phòng ở tập thể của công ty có đầy đủ tiện nghi, em ở cùng phòng với 1 lao động người Việt. Ở dãy tập thể đó có 6 lao động Việt, nên sau giờ làm và những ngày nghỉ, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết, anh em lại tìm đến với nhau để tổ chức đón Tết. Cả năm làm việc vất vả, lao động Việt Nam tại Nhật Bản có tới 4 ngày nghỉ lễ. Song không thể về quê vì thời gian nghỉ quá ít, nên em và nhiều lao động khác cũng làm một số món ăn truyền thống để đỡ nhớ cái Tết ở quê nhà”.

Còn với gia đình ông Rơ Châm Uih (làng Yok 2, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) thì Tết này cũng là cái Tết thứ 5 con trai Rơ Châm Tuih xa nhà. Lần đi xuất khẩu trước Tuih về nước đúng hạn và được phía Malaysia tiếp nhận trở lại vào tháng 9-2014. Năm đầu tiên xa nhà, Tuih làm việc cho một công ty chuyên về điện tử, cả công ty chỉ có 5 người là người Việt. Trong lần xuất khẩu lao động thứ 2, Tuih có thêm đến 15 đồng nghiệp là người Việt, do đó cái Tết năm 2014 tuy có xa nhà nhưng anh vẫn cảm thấy ấm áp hơn khi các anh em lao động cùng công ty và những người bạn Việt Nam ở các công ty khác cùng tổ chức gói bánh chưng, gói giò ăn Tết. Năm nay, thêm một cái Tết nữa xa gia đình, nhưng tình đồng hương nơi đất khách cũng khiến Tuih phần nào nguôi nỗi nhớ nhà.

“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”

 

Ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, cho biết: Tính từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 5.000 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là đi Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam nên lao động ở đây cũng được nghỉ Tết. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ Tết ngắn (chỉ 3-4 ngày), chi phí vé máy bay khứ hồi lại đắt đỏ nên rất ít lao động Việt Nam có thể về quê nhà đón Tết cùng gia đình.

Những ngày giáp Tết này, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Triệu Quốc Hiển tuy chưa được sửa sang gì nhiều để đón Tết, nhưng mọi thứ cũng đã được chuẩn bị tươm tất, đủ đầy hơn. Chị Quyên cho hay, khi con chưa đi xuất khẩu lao động, cứ mỗi dịp Tết đến, gia đình chị cũng cố gắng mua sắm ít bánh kẹo, bánh chưng, thịt thà… nhưng kinh tế vẫn còn  nhiều khó khăn. Bởi với anh Hiển, chị Quyên, do hàng ngày chỉ quanh quẩn bên vườn cà phê nhận khoán của Công ty Cà phê 706 nên chỉ đủ lo lắng cho cuộc sống hàng ngày chứ chẳng dư dật là bao. Năm nay, chia sẻ với P.V, anh Triệu Quốc Hiển vui vẻ kể: “Kinh tế gia đình mình năm nay khá hẳn lên. Đến thời điểm này, Đăng làm việc ở Nhật Bản đã được 13 tháng. Thu nhập trung bình 28-30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng cháu cũng gửi được về cho bố mẹ dành dụm 16 triệu đồng. Vợ chồng tôi mừng lắm! Tiền con gửi về hàng tháng vợ chồng tôi gửi tiết kiệm để khi cháu về nước có chút vốn lập nghiệp. Cuộc sống của vợ chồng tôi cũng bớt đi nỗi lo về kinh tế, có tiền chăm sóc cà phê, mua sắm tiện nghi trong gia đình”.

Còn với gia đình ông Rơ Châm Uih, nhờ Tuih liên tục 5 năm đi xuất khẩu lao động tại Maylaysia mà gia đình ông đã làm được căn nhà kiên cố hơn; ông Uih đầu tư vào chăm sóc cà phê và chăn nuôi, kinh tế gia đình dần dần khá hẳn lên. Cứ đều đặn hàng tháng, sau khi trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, Tuih gửi về cho bố mẹ ở quê nhà hơn 7 triệu đồng. Ông Rơ Châm Uih phấn khởi nói: “Trước đây gia đình mình nghèo lắm, 5 bố con làm quần quật quanh năm cũng chỉ đủ ăn thôi, bây giờ có thằng Tuih đi xuất khẩu lao động nên gia đình mình đã hết nghèo rồi. Giờ có cả tiền dư, không còn phải vay mượn bà con mua phân chăm sóc cà phê nữa. Tuy người Jrai không ăn Tết truyền thống như người Kinh nhưng năm nay gia đình có điều kiện hơn nên mình dự kiến mổ con heo mừng xuân mời bà con đến chung vui”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm