Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tết, nhớ xoong củ kiệu của má

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vườn rau nhà tôi, má không trồng kiệu. Tầm vài tháng trước tết, má sai anh em tôi ra bụi tre góc vườn tìm vài cây, chặt khúc đoạn dài ngang ngực chẻ nhỏ, cùng cành nhánh rào khoảnh đất chừng trăm mét vuông trồng rau ăn tết. Chẳng mấy chốc sau khi xuống giống, giâm hạt, ớt, cà chua, so đũa, khổ qua, dưa leo kín giàn, trái lúc lỉu; cải các loại, so đũa, hành, ngò, tỏi...phủ kín chen chúc xanh non, tươi mởn, hương tỏa ngát. Củ kiệu cũng thuộc giống hành, tỏi, dễ trồng nhưng không hiểu sao vườn má  không có, chỉ khi còn chục ngày là tết, má mới đi chợ mua về . 
Ở đâu không biết chứ quê nghèo của tôi, đến giờ thịt cá nhiều nhà còn khan hiếm, nhưng rau củ thì nhất định không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Đĩa rau, bát canh, có khi là bát canh suông chẳng có gì "kèm theo" đưa cơm, nhưng người quê tôi đã có thể sớm tối ấm lòng chặt bụng lên núi, ra đồng, xuống bãi. Rau củ cần thiết, quen thuộc, kiệu cũng là giống dễ trồng, vậy mà người quê tôi, vườn má tôi không dành cho kiệu. Có thể là tập quán quen thuộc, có thể từ lâu đời nơi này kiệu chỉ dành cho ngày tết, có thể trồng kiệu dài ngày chậm thu hoạch hơn các loại rau khác trong khi diện tích có hạn, ...Ấy là tôi nghĩ thế, lý giải thế. 
Trở lại với mấy bó củ kiệu má mua. Xứ đất cát Phù Mỹ, Phù Cát tỉnh Bình Định, hay Quảng Ngãi, Quảng Nam trồng nhiều kiệu, má tôi mua cũng từ đó. Trên chiếc đòn nhẵn màu thời gian, anh em tôi phụ má rửa sạch, nhặt bỏ lá vàng úa, dập nát, còn giữ lại tất cả từ rễ đến củ, lá kiệu. Củ kiệu má tôi chọn mua không quá lớn, cũng không quá bé, vừa bằng ngón tay út, lớn hơn chút đầu đũa tre ăn cơm. Phần củ kiệu sau khi cắt để riêng lá, rễ, tuốt lớp vỏ ngoài, rửa sạch, ngâm nước tro, phơi khô vài nắng, rửa sạch trở lại, để ráo trước khi dầm với mắm ngon. Chỉ vậy thôi, khác với nhiều xứ, người ta ngâm kiệu với mắm, dấm pha đường, thêm ớt, cà rốt, đu đủ trắng, đỏ, vàng nhiều màu bắt mắt. Không quan trọng đẹp xấu, sau mấy ngày dầm, hũ củ kiệu của má lèn chặt, màu củ từ trắng chuyển sang vàng nhạt, lẫn với những củ già ngày lên màu trắng xanh. Dùng đũa gắp một ít kiệu trộn với ớt tươi ăn cùng bánh chưng, bánh tét hay cơm đều ngon không tả xiết. Miếng củ kiệu cay cay đậm đà quyện với mùi thơm ngậy miếng bánh chưng, bánh tét, vị ngon đặc trưng quê tôi không lẫn vào đâu được. 
Ảnh: Minh Họa. Nguồn: Internet
Ảnh: Minh Họa. Nguồn: Internet
Còn phần rễ, lá kiệu cắt ngắn đoạn 5 phân, tưởng là đồ bỏ nhưng ..."không bỏ thứ gì"- má nói như một tuyên bố. Lúc đầu anh em chúng tôi lấy làm khó hiểu, cho rằng má hà tiện quá đáng, vì nghèo nên thấy thứ gì cũng quý,  không nỡ bỏ đồ thừa như lá, rễ kiệu. Nhưng khi "thành phẩm" là xoong kiệu với những rễ, lá xào với thịt heo ba chỉ bốc mùi thơm lừng, thì ai cũng tứa nước miếng, chẳng còn dám chê.  
Má đã làm gì với đám lá, rễ kiệu? Đơn giản, phi hành, thịt ba chỉ thái nhỏ cho vào xoong đảo qua trên bếp lửa vừa phải đến gần chín thì cho rễ, lá kiệu vào xào chung. Chưa đầy mươi phút, nêm gia vị, mắm muối, má nhấc nồi xuống bếp, miệng hối bầy con:" chuẩn bị mâm, tới giờ ăn cơm". Rồi má lấy trong sóng chén chiếc dĩa to nhất, múc có ngọn đĩa rau kiệu lá xanh lẫn màu rễ trắng với thịt bốc khói thơm lừng bày lên mâm. Mùi lá kiệu, rễ kiệu thơm hăng, vị ngòn ngọt đăng đắng, miếng thịt ba chỉ mỡ đấy mà không thấy béo, món ăn quê kiểng dân dã của má theo bước chân anh em tôi tứ chiếng giang hồ, mỗi người một phương nhưng chẳng thể quên được. Thấy tôi nhớ xưa, tán tụng, đôi lần vợ cũng mua kiệu về bắt chước nấu món, nhưng sao tôi không thấy ngon, không hấp dẫn, không tìm được hương vị đậm đà, thân thuộc, yêu thương thuở nào... 
Nhiều năm sau, và giờ đây khi má đã già yếu, nhà tôi, anh tôi, em tôi vẫn hũ củ kiệu dầm mắm trong gác bếp, nhưng món lá, rễ kiệu xào thịt ba chỉ thì không. Tôi không quên nhưng cũng không nhắc đến, cả với má và không lý giải được vì sao như vậy. Nhưng có lẽ hình ảnh dĩa kiệu xào với thịt ba chỉ ngày tết của má sẽ còn mãi, còn mãi trong tôi. 
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm