Tết Trung thu: Cảnh báo đồ chơi bạo lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù cơ quan chức năng được cho là đã vào cuộc quyết liệt trong thời gian trước Tết Trung thu, song theo ghi nhận của chúng tôi, đồ chơi bạo lực vẫn đang được bày bán công khai ở Phố núi Pleiku (Gia Lai).

Các loại đồ chơi bạo lực được bày bán trên vỉa hè. Ảnh: Ngọc Linh
Các loại đồ chơi bạo lực được bày bán trên vỉa hè. Ảnh: Ngọc Linh

Dạo quanh một số tuyến đường ở Phố núi, điều dễ dàng nhận thấy đó là đồ chơi dành cho trẻ em mang hơi hướng bạo lực gần như chiếm tỷ lệ tuyệt đối trên các gian trưng bày của các cửa hàng phục vụ mặt hàng này.

Đồ chơi dạng này hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc với lợi thế là phong phú về chủng loại, kiểu dáng như thật, giá thành lại rẻ. Chỉ cần vài ba chục ngàn đồng, một cậu bé đã có thể được sở hữu súng, đao, gươm bằng nhựa… Súng điện tử có đắt hơn tí đỉnh nhưng theo đánh giá thì chẳng đáng là bao.

Những ngày này, tại một cửa hàng bán hàng tiêu dùng thuộc loại có tên tuổi trên đường Trần Phú (TP. Pleiku), đồ chơi phục vụ cho trẻ em được ưu tiên số một. Ở đây, những loại đồ chơi bằng nhựa mang hơi hướng bạo lực như đao, kiếm, roi điện…  được bày công khai ngay trên vỉa hè trước cửa hàng. Người mua chỉ cần bỏ ra 35.000 đồng là có thể sở hữu 1 đao nhựa, 60.000 đồng thì có ngay 1 roi điện nhựa có lắp pin. Phần lớn các món đồ chơi này đều chỉ in chữ nước ngoài, không hề có tên, địa chỉ nhà nhập khẩu... Cách cửa hàng đó khoảng 200 mét, chúng tôi còn phát hiện cơ sở có bán súng nhựa, súng bắn nước, súng điện, được bày ở vị trí bắt mắt nhất. Các loại súng này có giá từ 20.000 đồng đến 150.000 đồng. Trên các khẩu súng dán nhãn “made in China”. Theo lời người bán, các loại súng điện tử được trẻ em ưa chuộng nhất, bán khá chạy.

 

Các loại đồ chơi như roi điện, đao, kiếm có giá bán rất mềm. Ảnh: Ngọc Linh
Các loại đồ chơi như roi điện, đao, kiếm có giá bán rất mềm. Ảnh: Ngọc Linh

Phỏng vấn chị Nguyễn Thị Trang đang mua hàng, được biết, con của chị cứ nằng nặc đòi mua cho bằng được mặt nạ và 1 cây kiếm cho giống với các bạn gần nhà. Dù xem truyền hình thấy đồ chơi nước ngoài nhập lậu rất độc hại cả về nghĩa đen và nghĩa bóng song vì con trai cưng cứ “giãy đành đạch” đòi mua nên chị Trang cũng đành phải chiều.

Một chủ cửa hàng bán đồ chơi tại ngã tư Biển Hồ (TP. Pleiku) cho  biết, dịp Trung thu, các đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc chiếm đa số. Đồ chơi do nước ta sản xuất như lồng đèn, trống quân… tại cửa hàng chị này chiếm tỷ lệ rất ít. “Trẻ em được bố mẹ chở đi mua. Đa số phụ huynh đều muốn mua hàng những loại đồ chơi do Việt Nam sản xuất cho an toàn nhưng mấy đứa trẻ chỉ chọn hàng Trung Quốc”-người bán chia sẻ. Còn theo quan điểm của chị Trần Thị Hạnh (trú TP. Pleiku), không phải cứ con đòi là phụ huynh phải đáp ứng. Người lớn phải định hướng cho trẻ chứ cho chúng chơi những đồ chơi không rõ nguồn gốc, lại mang hơi hướng bạo lực thì rất nguy hiểm. “Không tìm thấy đồ chơi Trung thu lành mạnh cho con chơi thì đưa các cháu đi công viên, đến khu vui chơi giải trí lành mạnh dành cho trẻ em. Đứa trẻ nào mà chẳng thích được vui chơi giải trí, đâu nhất thiết phải mua đao, kiếm, súng ống”-chị Hạnh nêu quan điểm.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Hà-Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai khẳng định, dịp Tết Trung thu, Chi cục đã triển khai các đội thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Các mặt hàng đồ chơi mang hơi hướng bạo lực, Chi cục làm rất quyết liệt tuy nhiên cũng phải khẳng  định là không thể đạt kết quả 100% như mong muốn được. Cũng theo ông Hà, các loại súng điện, súng bắn cao su, các loại kiếm, đao bằng nhựa đều là đồ chơi bạo lực, bị cấm bán. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện bán với số lượng lớn, người kinh doanh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm