(GLO)- Suốt quãng đời tuổi thơ, mỗi một năm chúng tôi trông đợi 2 cái Tết, một là Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán) gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam và Tết đặc biệt cho thiếu nhi, đó là Tết Trung thu đầy màu sắc và cảm hứng. Thời niên thiếu, chúng tôi thường nghêu ngao câu thơ: “Trung thu đến thật rộn ràng/Đường quê ngập ánh trăng vàng lung linh/Chị Hằng xuống hội thật xinh/Cùng em phá cỗ quê mình trong đêm…”.
Trăng thu miền quê ngày xưa ấy đẹp đến ngỡ ngàng và dịu dàng không chịu nổi. Chúng tôi tắm trong đêm hội trăng rằm như những chú nai tơ ngơ ngác trước không gian huyền diệu với tâm hồn tuổi thơ trong trắng. Chỉ có đêm Rằm Trung thu chúng tôi mới được nhìn rõ nhất nụ cười đầy viên mãn của chị Hằng và chú Cuội ngồi thảnh thơi dưới gốc cây đa đón một mùa thu quyến rũ. Chúng tôi, những đứa trẻ làng, chân còn lấm bùn đất, cầm đèn ông sao vừa đi vừa hát bài đồng dao vui nhộn từ đầu làng đến cuối xóm: “Chú Cuội ngồi gốc cây đa/Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/Cha còn cắt cỏ trên trời/Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên/Ông thì cầm bút cầm nghiên/Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa”.
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Hàng năm, cứ sau mùa khai trường, các thầy-cô giáo lại rộn ràng cùng các em học sinh chuẩn bị cho Tết Trung thu đầy hào hứng. Ngoài việc tập văn nghệ chuẩn bị cho đêm biểu diễn “Đêm hội trăng rằm”, suốt trong những giờ thủ công, chúng tôi được thầy cô hướng dẫn làm đủ loại lồng đèn, phổ biến nhất là đèn ông sao, đèn cánh bướm… Chúng tôi về nhà tự tìm tre vót nan rồi lắp ráp theo mô hình thầy giáo hướng dẫn; mua giấy gương đủ màu cắt dán cả mấy buổi ròng vẫn không xong cái lồng đèn ông sao. Có khi làm xong rồi nhưng không vừa ý lại phải tháo ra ráp lại đến vài ba bận đến khi nào thấy đẹp mắt mới thôi. Nhưng lúc mang lồng đèn của mình lên lớp cho thầy chấm điểm thì mới giật mình khi nhìn sang lồng đèn chúng bạn đủ sắc màu với ông sao, cánh bướm, quả bí, trái đào, máy bay, xe hơi… đẹp ơi là đẹp! So lại với lồng đèn mình tự làm thì đáng xấu hổ. Và quả nhiên, thầy giáo thương tình chỉ cho đúng 5/10 điểm. Điểm thủ công lần ấy, cả lớp chỉ có 2 đứa điểm 5 là tôi và đứa bạn ở cạnh nhà. Đem lồng đèn về nhà, tôi hỏi bạn: “Sao chúng nó khéo tay quá vậy?”. Bạn tôi cười: “Mầy chẳng biết gì! Chúng nó toàn nhờ cha mẹ, anh chị làm cho cả”. Tôi bảo bạn và cũng là tự an ủi mình: “Thôi mình ít điểm nhưng tự làm vẫn hay hơn”. Từ đó, cứ đến mùa Trung thu, tôi và người bạn hàng xóm lại tự mày mò làm đèn ông sao, cánh bướm; “tay nghề” năm sau cao hơn năm trước.
Rằm Trung thu, trong đêm trăng tròn vành vạnh, gió thu mơn man, chúng tôi được các anh chị lớn tuổi tập trung nơi đình làng, được phát quà bánh kẹo, chơi nhiều trò chơi trẻ con yêu thích như “chuột nhử mèo”, “bịt mắt bắt dê”, “bịt mắt đập niêu” hay chơi trò “đi tàu hỏa” với bài đồng dao nhịp nhàng: “Đi cầu đi quán/Đi bán lợn con/Đi mua cái xoong/Đem về đun nấu/Mua quả dưa hấu/Về biếu ông bà/Mua một đàn gà/Về cho ăn thóc/Mua lược chải tóc/Mua cặp cài đầu/Đi mau về mau/Kẻo trời sắp tối”. Trời càng về khuya, ánh trăng càng sáng tỏ, chúng tôi thắp nến cho đèn Trung thu, vừa đi quanh đình làng vừa múa hát. Đêm vui cứ kéo dài như không muốn dứt. Về đến nhà đã thấy cha mẹ bày sẵn mâm cỗ vừa cúng gia tiên xong. Chúng tôi, những đứa con ngoan được tưng tiu nhất trong ngày Tết Trung thu, được ưu tiên phá cỗ. Cả gia đình đoàn viên trong mùa trăng sum vầy, ấm áp.
Làng quê ngày Rằm tháng 8 là ngày hội đáng nhớ với tuổi thơ chúng tôi. Biết rằng, bạn bè cùng trang lứa chúng tôi ở các nước khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cũng đều được hưởng Tết Trung thu như ở Việt Nam. Nhưng có lẽ ngày hội trăng Rằm thuần Việt có những nét đặc thù dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng hơn; tuy không lộng lẫy, xa hoa nhưng lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
BÙI QUANG VINH